Sáng ngày 06/02/2025, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm sinh hoạt khoa học: “Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của BCT: Cơ hội và những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý”. Tọa đàm do TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý chủ trì với sự tham gia của toàn thể viên chức Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý.
Khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Cương đã phổ biến toàn bộ nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị (sau đây gọi là Nghị quyết số 57) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời nhấn mạnh lại việc “phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc”. Qua đó, đồng chí Cương đã gợi mở một số vấn đề chính cần tập trung trao đổi, làm rõ tại Tọa đàm: Thứ nhất, phân tích và làm rõ tình hình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay nói chung và tình hình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp nói riêng. Thứ hai, đánh giá cơ hội và thách thức mà Nghị quyết số 57 mang lại cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý. Thứ ba, đề xuất, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 57.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Văn Cương khuyến khích toàn thể đội ngũ nghiên cứu viên của Viện cởi mở tư duy về hoàn thiện thể chế, xoá bỏ tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Lê Thị Thiều Hoa – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thường xuyên tổ chức các Tọa đàm, Hội thảo trong khuôn khổ nghiên cứu các Đề tài, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong từng lĩnh vực với mục tiêu tạo ra diễn đàn trao đổi học thuật và thực tiễn nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế trong từng lĩnh vực hiện nay. Đồng chí khẳng định, đây cũng là cơ hội để các Ban chuyên môn và các nghiên cứu viên (đặc biệt là các nghiên cứu viên trẻ) có thể học tập, trau dồi kiến thức trong mọi lĩnh vực pháp luật.
Đồng chí Dương Thu Hương – Phó trưởng Ban nghiên cứu Chiến lược xây dựng, thi hành pháp luật và quản lý ngành đề xuất cần có chính sách thu hút chuyên gia nước ngoài và chuyên gia là người Việt Nam đang công tác tại nước ngoài tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp. Qua đây, xây dựng, kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và công nghệ số góp phần hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh chuyển đổi số ở nước ta hiện nay.
Đồng chí Đinh Công Tuấn – Trưởng Ban nghiên cứu Pháp luật hình sự và cải cách tư pháp đề xuất một số nhiệm vụ cụ thể mà Bộ Tư pháp cần nghiên cứu để triển khai Nghị quyết 57 như: Xây dựng định hướng nghiên cứu khoa học pháp lý trong các lĩnh vực trọng tâm của bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2026 – 2031; nâng cao năng lực các cơ sở nghiên cứu khoa học pháp lý của Bộ Tư pháp đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 57; đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết số 57…
Bám sát vào nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 57, tại Tọa đàm, các đại biểu cũng trao đổi thảo luận sôi nổi đề xuất đổi mới về cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ, tuyển dụng cán bộ, các điều kiện bảo đảm, đầu tư trang thiết bị cho các nhà nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học; chuyển đổi số, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học đồng bộ thúc đẩy hiệu quả hỗ trợ công tác nghiên cứu và ứng dụng kết quả vào thực tiễn…
Kết luận Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Cương một lần nữa ghi nhận đóng góp ý kiến của các đại biểu, đồng chí yêu cầu toàn thể viên chức Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý tích cực hưởng ứng, tiếp tục nghiên cứu triển khai có hiệu quả tinh thần Nghị quyết số 57 và các Chương trình, hành động cũng như nhiệm vụ của Bộ Tư pháp giao cho Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý.