Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về nuôi con nuôi, hướng tới xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ việc nuôi con nuôi trong nước để thực hiện Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1591/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030, Quyết định số 1746/QĐ-BTP ngày 23/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 1591/QĐ-TTg, được sự hỗ trợ của Cơ quan Unicef tại Việt Nam, từ ngày 22/12/2024 đến ngày 27/12/2024 Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) tiến hành khảo sát thực trạng chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống tại cơ sở trợ giúp xã hội sang việc nuôi con nuôi, tại một số cơ sở trợ giúp xã hội và Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn khảo sát do bà Phạm Thị Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Con nuôi, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn. Tham gia đoàn công tác, ngoài thành viên của Vụ Con nuôi còn có đại diện của Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện Phòng Tư pháp, UBND cấp huyện.
Trong chuyến khảo sát, Đoàn đã làm việc với Ủy ban nhân dân phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa và Cơ sở bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình, thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai; Ủy ban nhân dân xã Thường Tân, và Cơ sở bảo trợ xã hội mái ấm Từ Tâm Nhân Ái huyện Bắc Tân Uyên tỉnh Bình Dương; Cơ sở bảo trợ xã hội mái ấm Mai Tâm, Ủy ban nhân dân phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức và Ủy ban nhân dân phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 TP Hồ Chí Minh.
Qua các buổi làm việc, Đoàn khảo sát đã nắm được số lượng trẻ em đang được chăm sóc nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở trợ giúp xã hội đó, kết quả rà soát, đánh giá nhu cầu chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em đang sống tại cơ sở trợ giúp xã hội và giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật, việc phối hợp giữa cơ sở trợ giúp xã hội với cơ quan có thẩm quyền của địa phương trong công tác thực hiện các quy định của pháp luật về trẻ em và nuôi con nuôi… Trên cơ sở đó, Đoàn khảo sát đã nhận diện được một số tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành pháp luật về nuôi con nuôi và trẻ em tại các cơ sở này. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu xuất phát từ việc nắm bắt quy định pháp luật nuôi con nuôi, pháp luật trẻ em và bảo trợ xã hội chưa được đầy đủ. Từ đó dẫn đến hạn chế trong thực hiện rà soát, đánh giá nhu cầu chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em đang sống tại cơ sở trợ giúp xã hội. Đoàn khảo sát đã kịp thời hướng dẫn, tuyên truyền và làm rõ mục đích của việc chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế sang biện pháp nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình; các thành viên tại cơ sở trợ giúp xã hội hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của Cơ sở trợ giúp xã hội trong việc thực hiện rà soát, đánh giá nhu cầu chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em đang được nuôi dưỡng tại cơ sở.
Tại Ủy ban nhân dân cấp xã/phường, các địa phương báo cáo kết quả giải quyết việc nuôi con nuôi trên địa bàn xã/phường, việc tiếp nhận yêu cầu nhận con nuôi của người dân, việc thực hiện đăng ký nuôi con nuôi trong nước, việc xác minh hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi, việc lấy ý kiến đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ, trẻ em từ 09 tuổi trở lên, công tác theo dõi tình hình phát triển của trẻ em được giải quyết làm con nuôi… Có thể nói, kết quả chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế tập trung sang biện pháp nuôi con nuôi còn rất hạn chế. Qua trao đổi, Đoàn khảo sát đã nắm bắt được một số khó khăn trong công tác đánh giá, chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sang việc nuôi con nuôi. Nguyên nhân chính là công tác phối hợp giữa UBND cấp xã và cơ sở trợ giúp xã hội chưa được thực hiện đồng đều; nhận thức về trách nhiệm tìm gia đình thay thế trong nước còn chưa đầy đủ; công chức tư pháp-hộ tịch do ít va chạm với các sự kiện đăng ký việc nuôi con nuôi nên thực hiện còn có những bỡ ngỡ.
Tuy nhiên, các Ủy ban nhân dân xã/phường đều nhận thức được tầm quan trọng của việc tuyên truyền quy định pháp luật, trong đó có pháp luật về nuôi con nuôi và đều có tinh thần tìm tòi, nghiên cứu quy định pháp luật trước khi hướng dẫn người dân và thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước.
Đoàn khảo sát đã kịp thời giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà địa phương gặp phải. Đồng thời, Đoàn đã chia sẻ mô hình phối hợp trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi hiện đang áp dụng tại một số địa phương để các Ủy ban nhân dân xã/phường có thể tham khảo và thực hiện, đảm bảo rà soát, chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và công tác giải quyết nuôi con nuôi tại địa phương được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần tìm gia đình thay thế.
Qua hoạt động khảo sát tại địa phương, Vụ Con nuôi, Bộ Tư pháp nhận thấy cần tăng cường hợp nữa công tác tuyên truyền, tập huấn về nghiệp vụ chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế tập trung sang biện pháp nuôi con nuôi nhằm đảm bảo trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc và nuôi dưỡng trong môi trường gia đình phù hợp, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
* Một số hình ảnh của Đoàn khảo sát