Ngày 23/12, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Các quy định pháp luật đối với ngành nghề chăm sóc sắc đẹp”. Đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng và đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, trong những năm gần đây, thị trường ngành làm đẹp tại Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực, đóng góp một phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nghề làm đẹp cũng tạo ra cơ hội việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và được nhiều chuyên gia xem là ngành nghề xu hướng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Các ngành nghề chăm sóc sắc đẹp không chỉ bao gồm các hoạt động như: spa, chăm sóc da, làm tóc, học nối mi, nail mà còn hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa da liễu, răng hàm mặt, phẫu thuật thẩm mỹ,.. Do đó, lĩnh vực này không chỉ có tính chất thẩm mỹ bề ngoài đơn thuần mà còn là về vấn đề sức khoẻ, tính mạng của con người.
TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc Hội thảo.
Pháp luật Việt Nam đã đặt ra những quy định, điều kiện nhất định đối với các doanh nghiệp, cơ sở hành nghề có liên quan để bảo đảm sức khoẻ cộng đồng, an toàn, trật tự kinh doanh và phòng ngừa các hệ lụy tiềm ẩn. Tuy nhiên, việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực làm đẹp của một số doanh nghiệp, cơ sở hành nghề làm đẹp vẫn còn hạn chế. Từ đó dẫn đến hậu quả pháp lý bất lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở hành nghề như: xử phạt hành chính, buộc ngừng hoạt động, thậm chí là phải chịu trách nhiệm hình sự.
Do đó, trên cơ sở thực hiện Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2024 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật tổ chức Hội thảo “Các quy định pháp luật đối với ngành nghề chăm sóc sắc đẹp”. Đây là diễn đàn để doanh nghiệp được trao đổi, tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan và định hướng cho doanh nghiệp, hạn chế rủi ro và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hoạt động ngành nghề chăm sóc sắc đẹp. Đồng thời tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền, tổ chức đại diện doanh nghiệp chia sẻ thông tin, nắm bắt tình hình, kiến nghị, đề xuất để tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã cung cấp một số thông tin liên quan đến quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh đối với ngành nghề chăm sóc sắc đẹp. Đồng chí cho biết, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 và Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 có các loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ sau: Bệnh viện đa khoa có khoa thẩm mỹ hoặc có thực hiện các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ; bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ; phòng khám đa khoa có thực hiện các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ; phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, chuyên khoa da liễu; cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (không còn quy định tại Nghị định số 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh).
TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.
Bên cạnh các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động có phạm vi hoạt động liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ, vẫn còn tồn tại rất nhiều cơ sở thẩm mỹ “chui”, hoạt động không đúng các quy định hiện hành; nhân lực chưa được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn. Để tăng cường quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ, đồng chí đề xuất phải xây dựng hành lang pháp lý theo hướng quy định chặt chẽ hơn; ban hành các văn bản, chỉ thị đôn đốc, nhắc nhở đối với các nội dung, lĩnh vực này. Đồng thời cần tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp về các quy định liên quan đến ngành nghề chăm sóc sắc đẹp và thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác quản lý các cơ sở có thực hiện dịch vụ thẩm mỹ. Đồng chí Nguyễn Trọng Khoa cũng thông tin về điều kiện đối với cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ và người hành nghề thẩm mỹ.
TS. Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp.
Ngoài ra, các đại biểu đã được nghe TS. Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp giới thiệu quy định về xử lý vi phạm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với các doanh nghiệp làm đẹp và TS. Bùi Thanh Minh, Phó trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trình bày về xu hướng chuyển đổi xanh và khuyến nghị cho doanh nghiệp ngành công nghiệp chăm sóc sắc đẹp.
TS. Bùi Thanh Minh, Phó trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV).
Một số hình ảnh khác:
Anh Thư - Trung tâm Thông tin