Thực hiện Quyết định số 826/QĐ-BTP ngày 26/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tư pháp về tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sáng 06/12, tại thành phố Hà Nội, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Cục QLXLVPHC&TDTHPL) đã tổ chức “Tọa đàm tham vấn ý kiến, trao đổi, thảo luận, đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến đa dạng sinh học”.
Tọa đàm do đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp chủ trì với sự tham gia của đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, nhiều cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến đa dạng sinh học (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương…).
Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc Toạ đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp khẳng định, việc tổ chức Tọa đàm nhằm thực thi hiệu quả nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được giao tại Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (ban hành kèm theo Quyết định số 1623/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ), đồng thời, tạo diễn đàn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến, trao đổi, thảo luận, đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến đa dạng sinh học.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được lắng nghe đại diện Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp; Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an trình bày các chuyên đề, tham luận xoay quanh chủ đề pháp luật về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, Tọa đàm cũng ghi nhận rất nhiều ý kiến chia sẻ, góp ý, trao đổi của đại biểu tham dự về thực tiễn công tác quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến đa dạng sinh học như: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh; việc xác định hành vi vi phạm; định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; thời hạn chuyển biên bản vi phạm hành chính; về tính thống nhất, đồng bộ của các loại Danh mục về loài được ưu tiên bảo vệ... Qua đó, làm phong phú thêm căn cứ thực tiễn, góp phần giúp Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có đánh giá đa chiều để tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện quy định của pháp luật về đa dạng sinh học nói chung, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến đa dạng sinh học nói riêng, từ đó nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học./.
Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật