Ngày 21/11/2024, thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Nhóm chuyên gia Việt Nam của Tổ Công tác hỗn hợp Việt Nam - Liên bang Nga (được ban hành kèm theo Quyết định số 415/QĐ-BTP ngày 22/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Nga phối hợp tổ chức “Tọa đàm trực tuyến trao đổi chia sẻ kinh nghiệm của Liên Bang Nga về chính sách pháp luật hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông”.
Buổi Toạ đàm do ông Babekin Dmitriy Vladimirovich - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế và Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Nga, bà Lê Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính và bà Nguyễn Linh Kha - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp Việt Nam đồng chủ trì. Tọa đàm có sự tham dự của chuyên gia thuộc các đơn vị từ Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ Liên bang Nga là: Bà Bolotova Ekaterina Dmitrievna - Phó Trưởng phòng thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên trong lĩnh vực pháp luật hình sự, thuộc Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp Nga; bà Markarova Svetlana Andreevna - Phó Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế và Hợp tác, Bộ Tư pháp Nga và bà Menshchikova Yulia Yurievna - Phó Trưởng phòng 2, Cục Kiểm soát nội bộ và quy trình thuộc Cục Điều tra, Bộ Nội vụ Nga.
Về phía Việt Nam, tham dự Tọa đàm có Lãnh đạo cấp Vụ và công chức của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp là: Vụ Pháp luật hình sự - hành chính; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý; Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, bà Nguyễn Linh Kha và bà Lê Thị Vân Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga nói chung và quan hệ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp nói riêng với nhiều chương trình hợp tác đã được triển khai trong những năm qua. Trong năm 2024, hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động trao đổi, hợp tác về công tác pháp luật thông qua các Tọa đàm trực tuyến giữa các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Nga. Triển khai thực hiện Chương trình hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp giai đoạn 2024-2025 và Kế hoạch hoạt động 2024 của Tổ Công tác Việt-Nga, Tọa đàm trực tuyến trao đổi chia sẻ kinh nghiệm của Liên Bang Nga về chính sách pháp luật hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông được tổ chức. Tọa đàm đã tạo điều kiện để Bộ Tư pháp tìm hiểu kinh nghiệm của Liên Bang Nga về pháp luật trong lĩnh vực hình sự nhằm đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ thông tin và trên môi trường mạng đang diễn ra rất phức tạp như hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Đồng thời, hoạt động này cũng góp thêm một mảnh ghép trên cây cầu kết nối tình hữu nghị hợp tác trong lĩnh vực pháp luật giữa hai nước nói chung và hai Bộ Tư pháp nói riêng để mở rộng sự ủng hộ, hợp tác của các Bạn Nga trong những năm tiếp theo.
Tại Tọa đàm, đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp Việt Nam đã giới thiệu tới các chuyên gia Nga về các quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông với nhiều sửa đổi, bổ sung mới so với Bộ luật Hình sự trước đó, trong đó bổ sung mới một số tội danh nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, đặc biệt là nhóm tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và mạng viễn thông đang có chiều hướng gia tăng.
Về phía Liên bang Nga, các chuyên gia của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ nước Bạn đã giới thiệu tới Đoàn Bộ Tư pháp Việt Nam về các quy định của Bộ luật Hình sự Liên bang Nga trong xử lý tội phạm sử dụng công nghệ thông tin và mạng viễn thông, đồng thời chia sẻ thêm về những khó khăn, thách thức trong xử lý hành vi vi phạm pháp luật đối với nhóm tội phạm này. Từ đó, các chuyên gia Liên bang Nga đã chia sẻ thêm một số định hướng trong thời gian tới để hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung nhằm nâng cao hiệu quả xử lý đối với tội phạm sử dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông đang có xu hướng diễn biến phức tạp hiện nay.
Các chuyên gia từ Liên bang Nga cũng đánh giá công nghệ thông tin là một hoạt động mang tính toàn cầu, vượt qua ranh giới quốc gia và trở thành một phần không thể thiếu trong mọi lĩnh vực hoạt động của cá nhân, tổ chức và nhà nước. Đồng thời, việc mở rộng phạm vi ứng dụng công nghệ thông tin mặc dù đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế xã hội và nhà nước nhưng bên cạnh đó cũng mang lại những đe dọa tiềm tàng mới với phạm vi hoạt động của loại tội phạm này ngày càng gia tăng đặc biệt trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Bên cạnh đó, số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến quyền riêng tư cũng gia tăng, bao gồm các hành vi liên quan đến sự bất khả xâm phạm đời tư, bí mật cá nhân và gia đình, hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân bằng công nghệ thông tin. Cùng với đó, các phương thức, thủ đoạn và công cụ phạm tội ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp hơn dẫn đến việc đảm bảo hiệu quả trong đối phó với các loại hình tội phạm có liên quan đến công nghệ thông tin và mạng viễn thông trở nên đặc biệt quan trọng trong điều kiện hiện nay.
Tọa đàm cũng đã dành thời gian để trao đổi, chia sẻ, tìm hiểu thêm thông tin, kinh nghiệm của Việt Nam và Liên bang Nga về các nội dung liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu công dân, thông tin cá nhân, khuôn khổ pháp luật để quản lý đối với các đối tượng liên quan đến trí tuệ nhân tạo và tài sản kỹ thuật số, tiền kỹ thuật số, việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức và pháp nhân, quy trình tố tụng và thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự.
Kết thúc buổi tọa đàm, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Nga đã thống nhất cao về tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên trong tương lai để tiếp tục chia sẻ, trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật hình sự./.
Vụ Pháp luật hình sự - hành chính