Trợ giúp pháp lý trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

07/11/2024
Trợ giúp pháp lý trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2024, ngày 04/11/2024, Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị “Đánh giá, giám sát nội dung về trợ giúp pháp lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2024 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024” tại tỉnh Phú Yên. Đồng chí Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý phát biểu khai mạc. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh – Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu là đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, Lãnh đạo Trung tâm TGPL nhà nước cùng các Trợ giúp viên pháp lý các tỉnh, thành phố: Phú Yên, Quảng Bình, Đồng Nai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Kon Tum, Lâm Đồng, Hậu Giang và các đồng chí đại diện Phòng Tư pháp các huyện, đại diện UBND xã, công chức Tư pháp hộ tịch và đại diện các tổ chức đoàn thể các xã, cán bộ thôn, bản, cán bộ hội đoàn thể và người có uy tín trong cộng đồng của các xã trên địa bàn tỉnh Phú Yên.


 
Phát biểu khai mạc, đồng chí Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh cho biết, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, năm 2021 và năm 2022, trợ giúp pháp lý đã được ghi nhận trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Điều đó chứng tỏ vị trí, vai trò của công tác Cục Trợ giúp pháp lý đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bởi những kết quả tích cực trong thời gian qua. Để triển khai nội dung trợ giúp pháp lý trong các Chương trình này, Bộ Tư pháp đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện. Năm 2024 là năm thứ ba triển khai nội dung trợ giúp pháp lý trong các Chương trình, trên toàn quốc đã triển khai các hoạt động cụ thể như: tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại cơ sở; tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về trợ giúp pháp lý cho đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý; biên soạn, cung cấp tài liệu truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý và xây dựng và phát hành các tờ gấp về trợ giúp pháp lý..
Tại Hội nghị, đại diện Cục Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp Phú Yên và đại diện một số Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã trình bày tham luận và ý kiến phát biểu của đại diện Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước các tỉnh thành phố, đại diện Phòng Tư pháp, Uỷ ban nhân dân cấp xã và người có uy tín tại địa phương đã đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp để thực hiện có hiệu quả nội dung trợ giúp pháp lý trong hai Chương trình.
Các kết quả đạt được là do được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các ban, ngành cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể viên chức Trung tâm trợ giúp pháp lý trong thực hiện nội dung về trợ giúp pháp lý trong hai Chương trình, qua đó tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý với chất lượng ngày càng tốt hơn. nâng cao trình độ hiểu biết, chấp hành pháp luật cho người dân. Đồng thời thể chế về hoạt động trợ giúp pháp lý ngày một hoàn thiện, nhận thức về vai trò, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý của các cơ quan, tổ chức và cá nhân ngày càng được nâng cao.


 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai nội dung trợ giúp pháp lý trong các Chương trình còn có một số tồn tại hạn chế như: Một số địa phương có địa bàn rộng, nhất là ở khu vực miền núi dân cư sinh sống không tập trung, giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả công tác truyền thông; một số địa phương chưa được cấp kinh phí hoặc kinh phí được cấp quá ít chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao nên khi triển khai phải lồng ghép với nguồn kinh phí chung của Trung tâm;…
Để tiếp tục triển khai nội dung trợ giúp pháp lý trong hai Chương trình có hiệu quả, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp như: Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, truyền thông, đa dạng hóa các loại hình truyền thông phù hợp với từng đối tượng, đặc thù địa bàn; tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan, tổ chức hữu quan tại cơ sở; Huy động các nguồn lực theo hướng lồng ghép thực hiện nhiệm vụ có liên quan từ các chương trình, đề án khác của Trung ương, địa phương; Nghiên cứu để có thể thực hiện phối hợp các hoạt động của các Chương trình mục tiêu quốc gia khác nhưng bảo đảm không chồng chéo về đối tượng và nội dung hỗ trợ trên cùng địa bàn;…


 
Bế mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh – Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đã ghi nhận những ý kiến của các đại biểu tham dự, đề xuất trong thời gian tới Cục Trợ giúp pháp lý tiếp tục có giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn để triển khai có hiệu quả nội dung về trợ giúp pháp lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025./.

Trung tâm thông tin, dữ liệu trợ giúp pháp lý