Trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp của Bộ Tư pháp, được sự hỗ trợ của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), đoàn cán bộ do Thứ trưởng Đinh Trung Tụng dẫn đầu đã tiến hành chuyến khảo sát tại Vương quốc Tây Ban Nha và Cộng hoà Xinh-ga-po trong thời gian từ ngày 02 đến 16 tháng 6 năm 2008. Tham gia đoàn công tác còn có một số lãnh đạo, chuyên viên của Bộ Tư pháp và 6 lãnh đạo của các Sở Tư pháp một số tỉnh đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam của đất nước.
Mục đích chung của chuyến công tác là nhằm củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và các đối tác tại hai nước, tăng cường đối thoại song phương và chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp nhằm đáp ứng các yêu cầu về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập chung trong khối ASEAN, EU. Đoàn cũng đã tìm hiểu vai trò của chính quyền địa phương trong thực hiện công tác hoà giải, phổ biến giáo dục pháp luật và một số công tác tư pháp địa phương khác, nhằm nâng cao nhận thức thi hành pháp luật của người dân trong cộng đồng và tăng cường tiếp cận công lý.
|
Đoàn thăm và làm việc tại Hội đồng Cố vấn Nhà nước cấp cao của Tây Ban Nha |
Ngoài những mục đích chung như trên, chuyến công tác của Thứ trưởng Đinh Trung Tụng tới Xinh-ga-po lần này còn nhằm mục đích thúc đẩy việc triển khai một số hoạt động đã được ghi nhận trong Thỏa thuận giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Xinh-ga-po về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, được ký kết trong chuyến thăm và làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng tại Xinh-ga-po từ ngày 11-13/3/2008.
|
Đoàn tham dự Hội thảo tại Trường Đại học Rey Joan Carlos, Madrid – Tây Ban Nha |
Tây Ban Nha là nước đã đối mặt với nhiều thách thức giống với Việt Nam trong 30 đến 40 năm qua, bắt đầu từ một “xã hội mệnh lệnh” chuyển thành một nước hoàn toàn dân chủ và hội nhập vào Liên minh Châu Âu. Xinh-ga-po là nước ASEAN đã đạt được những tiến bộ lớn trong khu vực và trên thế giới. Các nước này đã hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình, hội nhập khu vực, gia nhập WTO và tham gia hầu hết các hiệp định đa phương của tổ chức này. Đối với một nước đã gia nhập EU, các chương trình cải cách, đào tạo và thông tin công chúng luôn được tổ chức tốt và mạnh mẽ. Các chương trình này phải được giám sát và đánh giá bởi EC và các thiết chế khác, ngoài sự đánh giá trong nước của Chính phủ, báo chí và công chúng.
Điều quan trọng là Tây Ban Nha và Xinh-ga-po đều là những nước đã có kinh nghiệm cụ thể về cải cách đã thành công từ trung ương đến địa phương, về tăng cường tiếp cận công lý, tuân thủ nguyên tắc pháp quyền. Kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia này sẽ rất hữu ích cho các cán bộ tư pháp và pháp luật của Việt Nam, đặc biệt là các cán bộ địa phương trong bối cảnh đẩy mạnh quá trình phân cấp và tăng cường sự tham gia của cấp cơ sở.
Tại Châu Âu, Tây Ban Nha là một nước có hệ thống tư pháp phương tây điển hình trong xử lý các vấn đề như quyền con người, sự tham gia của công chúng, vai trò của đoàn luật sư, sự độc lập của toà án và công tố viên. Quá trình xây dựng thiết chế pháp luật mạnh mẽ của nước này hiện nay có sự tham gia tích cực của công chúng và sự tin tưởng đạt được sau giai đoạn 1930-1970. Tây Ban Nha cũng là một nước Tây Âu có sự cải cách hiến pháp gần đây nhất. Cải cách thiết chế giữa thời điểm thông qua Hiến pháp năm 1978 và thời điểm gia nhập EU năm 1986 ứng với một số vấn đề quan trọng nhất trong Nghị quyết 48 và 49 liên quan đến tính độc lập của toà án, phân cấp cho địa phương, (bao gồm nhu cầu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương) và vai trò ngày càng tăng của cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án.
Từ khu vực Đông Nam Á, Singapore là địa điểm được Đoàn công tác đến tham khảo, học hỏi, với lý do nước này đã hoàn thành quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, hội nhập với các thiết chế khu vực và toàn cầu và là một trong những nước có hệ thống pháp luật/tư pháp mạnh mẽ và chính trực nhất. Xinh-ga-po được công nhận rộng rãi là nước nổi tiếng về xây dựng hệ thống pháp luật và tư pháp tiến bộ nhất thế giới từ năm 1975. Đây cũng là nước đã vượt qua hoặc tránh được rất nhiều yếu điểm của các hệ thống pháp luật Đông Nam Á khác. Toà án thương mại và trung tâm trọng tài/hoà giải của Singapore là trung tâm của sự thành công về kinh tế của đất nước này và những thành tựu kỹ thuật trong tiếp cận thông tin pháp luật (bao gồm thông tin về quyết định và thủ tục của toà án/trọng tài) có thể là những mô hình quan trọng cho việc thực hiện nghị quyết 48 và 49.
|
Đoàn thăm và làm việc tại Toà án tối cao Tây Ban Nha |
Trong thời gian công tác tại Tây Ban Nha, Đoàn đã đến thăm và làm việc tại một số cơ quan pháp luật và tư pháp, các cơ sở đào tạo Luật của nước này tại thủ đô Madrid và thành phố Barcelona: Bộ Tư pháp, Toà án tối cao, Hội đồng cố vấn Nhà nước, chính quyền khu tự trị Madrid, các cơ quan công chứng, Trường Đại học Rey Juan Carlos, Toà án cấp cao của khu tự trị Barcelona, Trường đào tạo thẩm phán v.v... Ngoài các cuộc hội đàm và làm việc trực tiếp với đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, Đoàn cũng đã tham dự các cuộc hội thảo tại các cơ sở đào tạo Luật, trao đổi với các giới chuyên môn, học giả, luật sư... về hệ thống pháp luật của Tây Ban Nha, trọng tâm là về cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Bên cạnh các cuộc làm việc trực tiếp với cán bộ của các cơ quan nói trên, Đoàn cũng đã gặp và chào xã giao Lãnh đạo của các cơ quan này. Ngoài ra, Đoàn cũng đã gặp và trao đổi với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha về quan hệ hợp tác Việt Nam – Tây Ban Nha và tình hình người Việt Nam tại Tây Ban Nha.
Trong thời gian thăm và làm việc tại Xinh-ga-po, Đoàn đã gặp và làm việc với Văn phòng Tổng Chưởng lý, Bộ Pháp luật, Trung tâm trọng tài quốc tế và Trung tâm hoà giải Xinh-ga-po. Ngoài các cuộc làm việc trực tiếp và cụ thể với cán bộ của các cơ quan nói trên, Đoàn cũng đã gặp và hội kiến Bộ trưởng Bộ Pháp luật Xinh-ga-po và lãnh đạo cấp cao các cơ quan đến thăm.
|
Đoàn Thăm và làm việc tại Bộ Pháp luật Xinh-ga-po |
Lãnh đạo các cơ quan tư pháp và pháp luật của hai nước mà Đoàn đã đến thăm đều nồng nhiệt chào mừng Đoàn công tác, nhấn mạnh kết quả của các cuộc làm việc có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước nói chung và quan hệ hợp tác pháp luật giữa hai nước và Việt Nam nói riêng; đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Việt Nam giành được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; bày tỏ tin tưởng Việt Nam tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển với vai trò, vị thế ngày càng tăng trong khu vực và trên trường quốc tế.
Tại các cuộc gặp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng thay mặt Bộ Tư pháp cảm ơn những tình cảm tốt đẹp và sự đón tiếp trọng thị, chu đáo mà Lãnh đạo các cơ quan pháp luật và tư pháp của hai nước đã dành cho Ðoàn trong thời gian công tác; chúc mừng những thành tựu to lớn mà hai nước đã đạt được trong quá trình phát triển đất nước cũng như hội nhập khu vực và quốc tế nói chung và lĩnh vực cải cách pháp luật, tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền nói riêng; thông báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua; thông tin về mục tiêu, các quan điểm chỉ đạo cũng như định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như cải cách tư pháp tại Việt Nam theo các Nghị quyết 48 và 49 của Bộ Chính trị. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, những văn kiện chính trị - pháp lý nêu trên thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam không chỉ trong việc hoạch định những đường hướng chiến lược cơ bản cho các cuộc cải cách sâu sắc về lập pháp, hành pháp, tư pháp, mà là lần đầu tiên, đã đặt các giải pháp về xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, giải pháp về tổ chức và các nguồn lực (nhân lực, tài lực, thông tin...) trong một tổng thể thống nhất với những bước đi và lộ trình hợp lý.
|
Đoàn thăm và làm việc tại Văn phòng Tổng Chưởng lý Xinh-ga-po |
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng và đại diện các cơ quan pháp luật và tư pháp của hai nước đều bày tỏ hài lòng về quan hệ hợp tác đang phát triển rất tốt đẹp giữa Việt Nam với Tây Ban Nha và Xinh-ga-po trong thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Các buổi tiếp xúc, làm việc được diễn ra trong tinh thần thẳng thắn, cởi mở, hiệu quả và thiết thực. Tại các cuộc hội kiến, hội đàm và các cuộc làm việc, Tây Ban Nha và Xinh-ga-po đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thành công trong việc cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp, nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi kinh tế và hội nhập kinh tế thế giới. Những kiến thức thu nhận được từ chuyến công tác sẽ được phía Việt Nam nghiên cứu, so sánh với các vấn đề tương ứng đặt ra ở nước ta hiện nay để có những đề xuất cụ thể cho việc vận dụng các kinh nghiệm, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập và duy trì được những giá trị bản địa truyền thống. Đại diện các cơ quan pháp luật và tư pháp của hai nước đều tỏ ý sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác sâu rộng hơn nữa với Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp. Các Bên cũng thoả thuận sẽ sớm triển khai các hoạt động thiết thực nhằm đưa các hoạt động hợp tác vào chiều sâu và có hiệu quả. Riêng với Xinh-ga-po, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng và Bộ trưởng Bộ Pháp luật Xinh-ga-po đã nhất trí đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện Biên bản thoả thuận giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Xinh-ga-po về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp với các nội dung như đã thoả thuận trong Biên bản. Trước mắt, hai Bên sẽ xúc tiến việc thành lập Uỷ ban hỗn hợp, bao gồm đại diện các cơ quan Chính phủ liên quan của hai nước để thực hiện các hoạt động hợp tác. Ủy ban Hỗn hợp này có chức năng tư vấn, tham mưu, giám sát và đánh giá việc thực hiện các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Biên bản thỏa thuận. Dự kiến sau khi được thành lập, Uỷ ban hỗn hợp sẽ họp lần đầu tiên tại Việt Nam để bàn về phương thức hoạt động, xem xét và thông qua kế hoạch hoạt động dài hạn và ngắn hạn nhằm thực hiện Biên bản thoả thuận. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ trưởng Pháp luật Xinh-ga-po tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước và quyết tâm của hai Bộ, Biên bản thoả thuận hợp tác sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam - Xinh-ga-po, góp phần củng cố quan hệ hợp tác vốn đã rất hiệu quả giữa hai nước nói chung.
|
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng hội kiến Bộ trưởng Pháp luật Xinh-ga-po |
Về hợp tác phát triển: Tây Ban Nha là nước đứng thứ 6 thế giới về cấp viện trợ phát triển và xếp Việt Nam vào diện nước ưu tiên nhận viện trợ phát triển ở khu vực. Viện trợ phát triển Tây Ban Nha dành cho Việt Nam tăng nhanh, tài khoá sau luôn cao hơn tài khoá trước. Về thương mại, Tây Ban Nha là một trong những nước EU có tốc độ tăng trưởng thương mại với Việt Nam ở mức cao. Hiện TBN là thị trường lớn thứ 7 của Việt Nam. Về đầu tư, Tây Ban Nha hiện đứng thứ 57 trong 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, và đứng thứ 13 trong 16 nước EU có dự án đầu tư tại Việt Nam với 5 dự án đầu tư trực tiếp được cấp giấy phép còn hiệu lực tại Việt Nam và tổng số vốn đăng ký 6,8 triệu USD, chủ yếu là dự án 100% vốn nước ngoài.
Với Xinh-ga-po, từ năm 1991, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia ASEAN tháng 7/1995, quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Xinh-ga-po rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về hợp tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Xinh-ga-po ở Đông Nam Á. Về thương mại - đầu tư: Từ 1996 đến nay, Xinh-ga-po luôn là một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Tính đến tháng 2/2007, Xinh-ga-po có 459 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với số vốn đăng ký 8,3 tỷ USD, vốn thực hiện 3,8 tỷ USD. Trong chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Xinh-ga-po (3/2004), hai Thủ tướng đã nhất trí thực hiện sáng kiến kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Xinh-ga-po. Đây là một chương trình hợp tác toàn diện, hướng tới mục tiêu gắn kết các khâu sản xuất, thương mại, đầu tư, tiêu dùng của Việt Nam với Xinh-ga-po để tạo ra sự bổ trợ, kết hợp hai nền kinh tế, tạo một môi trường chính sách thuận lợi và định hướng khung để doanh nghiệp hai nước hợp tác, phát huy hiệu quả cao nhất các mối quan hệ hợp tác song phương cũng như với nước thứ ba. Ngày 06/12/2005, hai nước đã ký chính thức Hiệp định khung về kết nối Việt Nam – Xinh-ga-po và 6 phụ lục kết nối kèm theo (i) tài chính, (ii) đầu tư, (iii) thương mại – dịch vụ, (iv) giao thông vận tải, (v) bưu chính viễn thông – công nghệ thông tin, (vi) giáo dục đào tạo. Quan hệ giáo dục và văn hoá giữa Xinh-ga-po và Việt Nam cũng ngày càng được tăng cường và mở rộng. Xinh-ga-po tích cực hợp tác giúp đỡ Việt Nam trong các lĩnh vực như: khoa học, kỹ thuật, phát triển nhân lực, tài chính, du lịch, ngân hàng, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về kinh tế thị trường, hội nhập khu vực và quốc tế….
Đặng Hoàng Oanh - Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp