Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sáng ngày 30/9, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây gọi là dự thảo Nghị định).
Cuộc họp do ông Nguyễn Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp - Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cùng với sự tham gia của các thành viên Hội đồng thẩm định và đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo.
Tại cuộc họp, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo tóm tắt về quá trình xây dựng và một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định. Theo đó, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm, mức xử phạt, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt trên cơ sở quy định mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022; Luật Căn cước năm 2023; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2023; Nghị định số 69/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định số 70/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp hướng dẫn thi hành Luật Căn cước;…
Trên cơ sở hồ sơ gửi thẩm định, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với một số vấn đề cơ bản về sự cần thiết ban hành Nghị định; hồ sơ đề nghị thẩm định và việc tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng văn bản; sự phù hợp của nội dung dự thảo Nghị định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Nghị định với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề về: sự trùng lặp với các quy định về tội phạm của Bộ luật Hình sự; hình thức xử phạt trục xuất; việc thi hành các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt; quy định chuyển tiếp;…
Cũng tại cuộc họp, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp - Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhận định, dự thảo Nghị định có nội dung phức tạp, các hành vi vi phạm liên quan mật thiết đến Bộ luật Hình sự, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh, trật tự. Do đó, cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm phù hợp và thống nhất với các quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thời gian qua.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hoàn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu đầy đủ những ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định, báo cáo Chính phủ theo quy định./.
Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật