Thực hiện Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, Quyết định số 153/QĐ-BTP ngày 02/02/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028” năm 2024 của Bộ Tư pháp, Chương trình phối hợp công tác số 04/CTPH-PBGDPL-TTĐN ký kết ngày 12/3/2024 giữa Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền Thông, sáng ngày 21/10/2024, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về quyền con người tại thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Hội nghị có sự tham dự gần 120 đại biểu là đại diện Ban Chỉ đạo nhân quyền tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Bến Tre; đại diện Ban Tuyên giáo, UBND, Phòng Tư pháp, Phòng Văn hóa-Thông tin, Đồn Biên phòng của 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, công chức Tư pháp - Hộ tịch, hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn thành phố Bến Tre và các cơ quan báo, đài trên địa bàn tỉnh
Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị còn có đồng chí Võ Minh Thưởng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre, đồng chí Trịnh Minh Châu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bến Tre.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa đã nêu tầm quan trọng,vai trò, ý nghĩa của công tác truyền thông về quyền con người hiện nay, đồng thời nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác truyền thông về quyền con người, những mục tiêu cụ thể cần hướng tới của công tác này. Hội nghị được tổ chức nhằm bồi dưỡng, nâng cao nhận thức pháp luật về quyền con người, cập nhật chủ trương, chính sách mới trong lĩnh vực quyền con người và lĩnh vực thông tin đối ngoại cho đội ngũ công chức làm công tác thông tin đối ngoại, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở, phóng viên báo đài. Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lựa chọn 02 chuyên đề để tổ chức Hội nghị tập huấn: Chuyên đề Pháp luật quốc tế và Việt Nam về quyền con người do giảng viên Tiến sỹ Nguyễn Mai Thuyên trình bày và Chuyên đề Công tác thông tin đối ngoại về quyền con người tại Việt Nam do đồng chí Phan Thị Thu Hồng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Điều phối, Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin truyền thông trình bày.
TS. Nguyễn Mai Thuyên - Giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội thông tin về quyền con người.
Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Mai Thuyên đã giới thiệu những nội dung chính về quyền con người, như khái niệm, lịch sử hình thành, các thế hệ quyền con người, nội dung một số quyền cơ bản của con người như quyền dân tộc tự quyết, quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền bình đẳng và không bị phân biệt đối xử, quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục, quyền kết hôn và lập gia đình, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo...., sự gia nhập các công ước về quyền con người của Việt Nam, các quyền con người được nội luật hóa trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật quốc gia. Qua các ví dụ minh họa thực tế, hình ảnh liên tưởng sinh động và các số liệu thống kê cụ thể, giảng viên đã giúp người học có được kiến thức đầy đủ, khách quan về quyền con người.
Bà Phan Thị Thu Hồng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Điều phối, Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin Truyền thông)
Với chuyên đề Công tác thông tin đối ngoại về quyền con người tại Việt Nam, đồng chí Phan Thị Thu Hồng đã giới thiệu, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại, nhiệm vụ chính trị của cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại đối với cả nước nói chung và đối với tỉnh Bến Tre nơi có cả đường biên giới biển và biên giới trên đất liền nói riêng. Theo đó thông tin đối ngoại là thông tin quảng bá hình ảnh quốc gia, đất nước, con người, lịch sử, văn hoá dân tộc Việt Nam; thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước Việt Nam ra thế giới và thông tin về thế giới vào Việt Nam.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa cảm ơn sự phối hợp tích cực của địa phương trong tổ chức hội nghị, đánh giá cao sự tham gia đầy đủ, nghiêm túc của các đại biểu tại Hội nghị. Khẳng định việc truyền thông về quyền con người giúp nhà nước thông tin đầy đủ cho người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam; nâng cao uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người ở phạm vi trong nước, khu vực và trên thế giới; tăng cường thực hiện hiệu quả 07/09 Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đang là thành viên,gồm các Công ước: Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (ICCPR), gia nhập ngày 24-9-1982; Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966, gia nhập ngày 24-9-1982; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1979, ký kết ngày 29-7-1980, phê chuẩn ngày 17-2-1982; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc 1969, gia nhập ngày 9-6-1982; Công ước về Quyền Trẻ em 1989, ký kết ngày 26-1-1990, phê chuẩn ngày 28-2-1990; Công ước về Quyền của Người khuyết tật 2006, ký ngày 22-11-2007 và phê chuẩn ngày 5-2-2015; Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, ký ngày 7-11-2013 và phê chuẩn ngày 5-2-2015
Toàn cảnh hội nghị
Qua hai chuyên đề, Hội nghị đã thông tin đến các đại biểu những kiến thức pháp luật mới về quyền con người, góp phần tăng cường truyền thông về quyền con người qua đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của các đại biểu về các quyền con người; các đại biểu sẽ tiếp tục thực hiện việc quán triệt, phổ biến pháp luật về quyền con người đến các cấp cơ sở, đưa nội dung về quyền con người được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, các thành tựu Việt Nam đạt được trong công tác nhân quyền, hạn chế và bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về quyền con người ở Việt Nam./.
Đinh Quỳnh Mây
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật