Bộ Tư pháp ban hành Tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

10/09/2024
Ngày 12/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” (Đề án 979). Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án 979, ngày 09/9/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1666/QĐ-BTP ban hành Tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Tiêu chí chung được xây dựng trên cơ sở có sự đổi mới về cách tiếp cận so với Thông tư số 03/2018/TT-BTP ngày 10/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cụ thể ở các điểm sau:
Thứ nhất, việc đánh giá thí điểm hiệu quả PBGDPL được đặt trong một hệ quy chiếu cụ thể, gắn với từng lĩnh vực pháp luật, nội dung, hình thức PBGDPL, đối tượng được PBGDPL, địa bàn, khoảng thời gian cụ thể; khắc phục các vướng mắc, bất cập trong Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL quy định trong Thông tư số 03/2018/TT-BTP.
Thứ hai, các tiêu chí, chỉ tiêu được lượng hóa, bảo đảm tính khả thi trong đánh giá; có công cụ kiểm chứng cụ thể và được tính điểm. Tiêu chí chung sẽ là cơ sở cho các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thuộc phạm vi thí điểm của Đề án 979 (sau đây gọi là bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thí điểm) nghiên cứu, xây dựng Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả từng hoạt động PBGDPL cụ thể bảo đảm linh hoạt, phù hợp với đặc thù, tình hình thực tế trong từng giai đoạn và năm công tác.
Thứ ba, các tiêu chí trong Tiêu chí chung xác định các nhiệm vụ cơ bản, cần thiết nhằm bảo đảm hiệu quả trong quá trình thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước, tổ chức hoạt động PBGDPL cụ thể (yếu tố đầu vào của hoạt động PBGDPL) của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thí điểm theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và đặc điểm của từng cấp quản lý nhà nước. Đánh giá quản lý nhà nước kết hợp với đánh giá hiệu quả đầu ra của hoạt động PBGDPL, trong đó có tiêu chí cụ thể xác định việc thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng được PBGDPL.
Thứ tư, kết quả đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL không sử dụng để xếp loại, thi đua khen thưởng mà mục đích chính là để chủ thể thực hiện công tác PBGDPL tự đánh giá, nhận diện được những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, từ đó triển khai tốt hơn các giải pháp cải thiện chất lượng quản lý nhà nước và tổ chức triển khai hoạt động PBGDPL cụ thể đi vào thực chất, phù hợp với nhu cầu và đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, Tiêu chí chung gồm 02 loại tại 02 Phụ lục tương ứng áp dụng cho nhóm các bộ, cơ quan ngang bộ thí điểm và nhóm các địa phương thí điểm; thông qua 02 nhóm nội dung. Cụ thể:
(i) Nhóm tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động quản lý nhà nước về PBGDPL (Điểm số tối đa là 45 điểm). Việc đánh giá được thực hiện trên cơ sở lượng hóa mức độ hoàn thành trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương; đồng thời có sự phân loại để phù hợp với đặc điểm quản lý nhà nước của trung ương và địa phương.
(ii) Nhóm tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra của các hoạt động PBGDPL cụ thể (Điểm số tối đa là 55 điểm). Việc đánh giá được thực hiện trên cơ sở lượng hóa mức độ đánh giá của đối tượng thụ hưởng về chất lượng tổ chức các hoạt động PBGDPL cụ thể do các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thí điểm tổ chức; mức độ tác động của các hoạt động PBGDPL cụ thể tới nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng thụ hưởng đối với nội dung pháp luật được PBGDPL.
Việc thực hiện đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL được thực hiện theo quy trình ba bước, gồm:
(i) Bước 1. Lựa chọn, xác định đối tượng, lĩnh vực, địa bàn để đánh giá thí điểm hoạt động PBGDPL cụ thể.
(ii) Bước 2. Xây dựng Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL đối với các hoạt động PBGDPL được lựa chọn.
(iii) Bước 3. Tổ chức đánh giá thí điểm.
Trong giai đoạn thí điểm, Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn, tổ chức các buổi làm việc với Tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ và Sở Tư pháp các địa phương để tiếp nhận và phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương thí điểm xác định các nguồn thông tin, tài liệu kiểm chứng đối với các tiêu chí, chỉ tiêu trong Tiêu chí chung theo hướng dẫn tại các Phụ lục kèm theo Quyết định. Đối với các Tiêu chí riêng được bổ sung, các nguồn thông tin, tài liệu kiểm chứng do các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương thí điểm chủ động xác định.
Việc tổ chức đánh giá được thực hiện qua phương pháp khảo sát, điều tra xã hội học. Các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương thí điểm linh hoạt thực hiện trước và ngay sau hoạt động PBGDPL hoặc sau một thời gian nhất định tùy thuộc vào tính chất, quy mô của hoạt động PBGDPL được chọn đánh giá.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, bao gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Dân tộc; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đồng Nai, Sóc Trăng sẽ thực hiện thí điểm theo thời gian thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” được phê duyệt theo Quyết định số 979/QĐ-TTg./.
Nguyễn Giang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật