Ngày 27/8/2024, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đã tổ chức Tọa đàm trao đổi, nắm bắt thông tin về tình hình triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tình hình thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” (Đề án 407), Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếp cận pháp luật của người dân” (Đề án 977) tại thành phố Đà Nẵng.
Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) chủ trì Tọa đàm. Tham dự buổi Tọa đàm còn có bà Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng, ông Châu Thanh Việt, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng: Ban Dân vận, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân, Hội Luật gia, Đài Phát thanh và Truyền hình, các Sở: Công thương, Tài chính, Tài nguyên – Môi trường, Giao thông vận tải, Giáo dục – Đào tạo, Công an thành phố, Phòng Tư pháp, Phòng Văn hóa thông tin một số quận, huyện trên địa bàn và các phòng chuyên môn Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 12/10/2019 về việc nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố; Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 45/2024/NQ-HĐND ngày 30/7/2024 quy định mức chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thành phố, công tác PBGDPL, truyền thông dự thảo chính sách, tăng cường tiếp cận pháp luật của người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn được Ủy ban nhân dân, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp quan tâm thực hiện. Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố và Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng thành phố đã được kiện toàn theo Quyết định số 21/2021/NĐ-CP.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố đã tổ chức được 2.465 cuộc PBGDPL trực tiếp có 245.626 lượt người tham dự, tổ chức 50 cuộc thi tìm hiểu pháp luật có 15.891 lượt người tham gia. Trong đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy xây dựng Bộ Câu hỏi và đáp án Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 27/10/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng đầy đủ, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay.
Thực hiện Đề án 407, các sở, ban, ngành trên địa bàn (Sở Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Công an thành phố) đã tổ chức truyền thông dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Công chứng, Luật Bảo hiểm xã hội, dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Đấu giá tài sản, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), tổ chức lấy ý kiến theo quy định và truyền thông các dự thảo chính sách có tính chất đặc thù trong các Nghị quyết quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân thành phố… trên các trang mạng xã hội (kênh Zalo Tổng đài 1022, Fanpage Tổng đài 1022 và Fanpage của các Sở), ứng dụng DaNang Smart City, Cổng Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng, Cổng Thông tin điện tử thành phố và các Trang thông tin điện tử thành phố. Các quận, huyện còn xây dựng bản tin và truyền thông qua loa truyền thanh cơ sở. Tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân xã, phường đã tổ chức họp thôn, tổ dân phố hoặc cụm thôn, cụm tổ để lấy ý kiến đối với các dự thảo Luật quan trọng. Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức ít nhất 01 lần hội nghị hoặc hội thảo cấp quận để lấy ý kiến trực tiếp của Nhân dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều hoạt động góp ý, phản biện xã hội liên quan đến các chủ trương, chính sách lớn của trung ương, thành phố và địa phương, qua đó đã góp phần nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.453 tổ hòa giải với 7.814 hòa giải viên. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các tổ hòa giải trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 92 vụ việc, trong đó: 75 vụ việc hòa giải thành, đạt 81,52%, 14 vụ việc hòa giải không thành và 03 vụ việc đang giải quyết (một số quận, huyện có tỷ lệ hòa giải thành cao như: Thanh Khê 100%, Ngũ Hành Sơn 100%, Hòa Vang 89,58%...). Các hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần tăng cường tinh thần tương thân tương ái, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết mâu thuẫn tranh chấp, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sở Tư pháp đã tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành các Kế hoạch thực hiện công tác đánh giá, công nhận xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân trên địa bàn. Năm 2023, toàn thành phố có 55/56 xã, phường (chiếm 98,2%) được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Tại Tọa đàm, đại diện các sở, ban, ngành và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thông tin, trao đổi về tình hình triển khai các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách, PBGDPL, tăng cường tiếp cận pháp luật của người dân; chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng thời xác định nhiệm vụ, giải pháp và đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên đã ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác PBGDPL và thực hiện Đề án 407, Đề án 977, hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn thành phố thời gian vừa qua. Đồng chí đề nghị cần phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố trong chỉ đạo, hướng dẫn công tác PBGDPL, các thành viên Hội đồng, sở, ngành quan tâm tổ chức PBGDPL liên quan đến lĩnh vực quản lý. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thực hiện truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Đề án 407, trong đó chú trọng xây dựng Kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách, biên soạn tài liệu truyền thông ngăn gọn, dễ hiểu và phối hợp với cơ quan thông tin, báo chí, cơ quan, đơn vị liên quan truyền thông dự thảo chính sách nhằm tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng chính sách pháp luật, bảo đảm tính khả thi, chất lượng, hiệu quả thi hành của pháp luật sau khi được ban hành. Đồng thời, đồng chí cũng đề nghị bên cạnh các hình thức PBGDPL truyền thống, các sở, ngành, đoàn thể cần tiếp tục chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; xây dựng mô hình, cách thức hiệu quả về tiếp cận pháp luật; ban hành Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương cấp tỉnh chủ trì ban hành; huy động sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Luật gia, Đoàn Luật sự tỉnh chủ động tham gia hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đơn vị. Đề nghị các cơ quan, đơn vị rà soát, quan tâm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao trong Đề án 407, 977 và phát hiện, nghiên cứu và nhân rộng các mô hình hay trong công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật để hướng dẫn, nhân rộng trong toàn thành phố./.
Đỗ Thị Nhẫn
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật