Để chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật khả thi và đi vào thực tiễn

27/08/2024
Để chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật khả thi và đi vào thực tiễn
Ngày 27/8, tại Đà Nẵng, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý về dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025- 2030” với sự tham gia của các chuyên gia và lãnh đạo Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng cùng các tỉnh Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Định…TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Phó trưởng Ban soạn thảo Đề án; ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo Đề án tham dự và chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Kế hoạch công tác của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương năm 2024, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức nghiên cứu xây dựng dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025- 2030”.
Toàn cảnh Hội nghị
 
Theo Dự thảo Đề án, các mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2027 là: Xây dựng kho dữ liệu về phổ biến, giáo dục pháp luật trên môi trường mạng là nơi cung cấp thông tin pháp luật tập trung phục vụ nhu cầu của người dân; vận hành Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia; phấn đấu có ít nhất 60% trở lên người dân trong độ tuổi lao động được phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp cận văn bản, quy định của pháp luật qua các ứng dụng công nghệ số…
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có thể chuyển đổi số thành công cần 2 yếu tố quyết định. Đó là sự quyết tâm về mặt chính trị của Trung ương Đảng, của Nhà nước, sự nỗ lực thực hiện của các cơ quan, địa phương, các chuyên gia để xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng phần mềm, các ứng dụng... Đặc biệt, công tác xây dựng Đề án cần đảm bảo tính khả thi, đi vào cuộc sống, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân.
​Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc nhấn mạnh, công tác xây dựng Đề án cần đảm bảo tính khả thi, đi vào cuộc sống, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân
 
"Sự thành công của chuyển đổi số được ví von là tiếng vỗ tay. Để có tiếng vỗ tay, phải có bàn tay phải và bàn tay trái và câu chuyện chuyển đổi số cũng như vậy. Nhưng sẽ không có ý nghĩa gì khi người dân không quan tâm, người dân không có đủ trình độ để tiếp cận. Cho nên một trong những vấn đề mà chúng tôi cực kỳ trăn trở của đề án này đó phải xây dựng như thế nào để đảm bảo tính khả thi về trình độ của người dân Việt Nam để không gây lãng phí”, Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc nhấn mạnh
Vì vậy, Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc cũng như Ban soạn thảo Đề án mong muốn được nghe các ý kiến, kiến nghị thực tiễn tại các địa phương, cơ sở để tiếp thu các ý chí, nguyện vọng chung của cán bộ, nhân dân các tỉnh, thành…
 Tại Hội thảo, bà Đào Thị Phước Hạnh, Phó trưởng phòng Phổ biến - Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp Đà Nẵng) cho biết, Sở đã tham mưu UBND thành phố xây dựng Trang thông tin điện tử để phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin về pháp luật. Các quận, huyện, đơn vị cũng thành lập nhiều fanpage trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến, cung cấp thông tin pháp luật, với hàng trăm nghìn lượt người theo dõi. Các trang này đã góp phần thông tin, tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước và phản bác, phản biện đối với các thông tin sai trái trên không gian mạng; lan tỏa thông tin tích cực đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố. Thời gian tới, Sở Tư pháp thành phố kiến nghị Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện chính sách, thể chế nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, khuyến khích việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số. Đặc biệt, là cơ chế về kinh phí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chính sách xã hội hóa trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…
Còn theo ông Trần Văn Trí, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Quốc tế Incom, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Ông Trí đề xuất xây dựng hệ thống phần mềm trả lời tự động (Chatbot) kết hợp AI và dữ liệu văn bản luật nhằm tự động hóa quá trình làm việc, giảm tải cho các chuyên viên tư vấn. Tại mỗi cơ quan hành chính nên có 1 đến 2 máy tính phục vụ cho việc hỏi đáp/tra cứu tự động, người dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính có thể tra cứu và làm theo hướng dẫn. Thông qua việc sử dụng AI, chính quyền có thể nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến pháp luật, giúp người dân tiếp cận và hiểu rõ quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Đáng chú ý, Hội thảo cũng điểm qua hiện trạng triển khai ứng dụng CNTT tại các địa phương. Cụ thể, theo thông tin tại Hội thảo, đến nay trên toàn quốc hiện có 7 bộ, ngành và 46 địa phương đã vận hành Cổng/Trang thông tin PBGDPL.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội là ý kiến đưa ra tại Hội thảo

Cổng/Trang thông tin được các địa phương duy trì hoạt động thường xuyên, đầu tư nội dung, hình ảnh. Ví dụ như Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận thường xuyên cập nhật, đăng tải các tài liệu PBGDPL như: sổ tay hỏi -đáp, Tờ gấp, video clip tiểu phẩm pháp luật, chương trình phóng sự, tọa đàm; các tin, bài viết phản ánh các hoạt động PBGDPL cũng như các quy định, phân tích pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Hay như trang thông tin PBGDPL tỉnh Lai Châu đã đăng tải gần 1000 tin, bài, tài liệu tuyên truyền, đề cương tuyên truyền pháp luật thu hút trên 7 triệu lượt người truy cập. Kênh thông tin này là cơ sở và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL được chính xác và thống nhất. Trang thông tin điện tử được liên kết, tích hợp với cổng thông tin điện tử của Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương nhằm cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin về pháp luật.
Tuy nhiên, các Cổng/Trang Thông tin về PBGDPL của địa phương chưa có kết nối, chia sẻ thông tin lên hệ thống phổ biến pháp luật của quốc gia. Chính vậy, hệ thống thông tin PBGDPL trên toàn nước chưa được thống nhất, đồng bộ về nội dung, thông tin dữ liệu.
Với những thông tin trên, nhiều đề xuất, ý kiến đáng chú ý của Đại biểu đưa ra tại Hội thảo được Ban soạn thảo Đề án ghi nhận, tiếp thu và nghiên cứu để hoàn thiện Đề án như: Xây dựng các nền tảng đào tạo số, truyền thông số; triển khai tổng đài tư vấn pháp luật kết hợp các mạng viễn thông trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…
Vũ Vân Anh