Hội thảo Nghiên cứu, xây dựng Đề án về nâng cao vai trò, hiện đại hóa, phát triển trợ giúp pháp lý

25/08/2024
Hội thảo Nghiên cứu, xây dựng Đề án về nâng cao vai trò, hiện đại hóa, phát triển trợ giúp pháp lý
Ngày 22/8/2024, Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức hội thảo nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao vai trò, hiện đại hóa, phát triển trợ giúp pháp lý đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại thành phố Hà Nội. Ông Cù Thu Anh – Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý khai mạc và chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các đại diện đến từ Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ), Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ), Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (Viện kiểm sát nhân dân tối cao), Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); Ủy ban xây dựng pháp luật và TGPL (Liên đoàn Luật sư Việt Nam); Lãnh đạo và Trợ giúp viên pháp lý của một số Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, thành phố (Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương, Tuyên Quang, Hưng Yên, Yên Bái, Điện Biên, Gia Lai); Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Công nghệ thông tin, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Viện Chiến lược và khoa học pháp lý, Cục Kế hoạch tài chính, Văn phòng Bộ).
 
Ông Cù Thu Anh – Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Tổ trưởng Tổ soạn thảo phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Cù Thu Anh – Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Tổ trưởng Tổ soạn thảo đã trình bày: Tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 27-NQ/TW) đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về TGPL với các định hướng, yêu cầu như sau: “Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, TGPL và hỗ trợ pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật” (mục 3 phần IV Nghị quyết); “Nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp và chất lượng TGPL, nhất là trong hoạt động tố tụng tư pháp; hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống TGPL; mở rộng đối tượng được TGPL phù hợp với điều kiện của đất nước” (mục 7 phần IV Nghị quyết). Triển khai Chương trình số 82-CTr/BCS ngày 22/5/2023 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp và Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW (ban hành kèm theo Quyết định số 764/QĐ-BTP ngày 22/5/2023) về việc xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao vai trò, hiện đại hóa, phát triển trợ giúp pháp lý đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (sau đây gọi tắt là dự thảo Đề án), thời gian qua Cục Trợ giúp pháp lý đã tích cực tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp triển khai những công việc cụ thể để nghiên cứu, xây dựng văn bản này. Do đó, để hoàn thiện dự thảo Đề án, Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức hội thảo nhằm tiếp tục lấy ý kiến góp ý của người thực hiện TGPL, người quản lý công tác TGPL và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. 
Bà Lê Thị Thúy, Phó Trưởng phòng (Cục Trợ giúp pháp lý), thành viên Tổ soạn thảo đã trình bày sự cần thiết (về cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn) và một số nội dung cơ bản của dự thảo Đề án. Theo đó, Đề án được triển khai thực hiện trên toàn quốc. Thời gian thực hiện: Từ khi Đề án được ban hành (dự kiến năm 2025) đến năm 2045, gồm: Giai đoạn 1: Từ năm 2025 đến năm 2030 (tập trung ở giai đoạn này). Giai đoạn 2: Từ năm 2031 đến năm 2045.
 

Bà Lê Thị Thúy, Phó Trưởng phòng (Cục Trợ giúp pháp lý), thành viên Tổ soạn thảo trình bày sự cần thiết và một số nội dung cơ bản của dự thảo Đề án.
 
Dự thảo Đề án bao gồm mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn. Theo đó, tương ứng là các nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu từng giai đoạn. Ở giai đoạn từ khi Đề án được ban hành đến năm 2030, Đề án tập trung vào 08 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Hoàn thiện thể chế, chính sách; xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ở Trung ương (Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp) và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở địa phương; Xây dựng đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý chuyên nghiệp, có đầy đủ kiến thức và kỹ năng bảo đảm cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng, nhất là trong tố tụng tư pháp; nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân, nhất là trong tố tụng tư pháp; hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác trợ giúp pháp lý; tiếp tục đổi mới cách thức và tăng cường hiệu quả truyền thông về trợ giúp pháp lý để người dân dễ tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý; nâng cao năng lực, phát huy vai trò của cơ quan, tổ chức trợ giúp pháp lý trong phối hợp liên ngành và phối hợp trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; hợp tác quốc tế về trợ giúp pháp lý. Ở giai đoạn tầm nhìn từ 2031- 2045, Đề án đưa ra 3 nhóm nhiệm vụ về thể chế và về hoạt động.
 



Các đại biểu trao đổi, góp ý tại Hội thảo.

 
Tại hội thảo, các đại biểu đã tích cực trao đổi, góp ý trực tiếp vào dự thảo Đề án, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về những vấn đề có liên quan. Các ý kiến trao đổi đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Đề án, tuy nhiên cần tiếp tục làm rõ hơn về các nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm nội dung Đề án khả thi, phù hợp thực tiễn. 
Một số ý kiến cho rằng so với khối lượng công việc nặng nề hiện nay, nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng tăng, diện người được trợ giúp pháp lý được mở rộng, yêu cầu trực điều tra hình sự 24/24 và trực tại tòa án nhân dân, điểm cầu trực tuyến… thì nguồn lực dành cho trợ giúp pháp lý (bao gồm con người và cơ sở vật chất kỹ thuật) cần được tiếp tục được quan tâm hơn nữa. Ở một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, cần có sự quan tâm đến số lượng trợ giúp viên pháp lý trên địa bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân (ví dụ như ở Điện Biên, có khoảng 80-85% dân số thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong khi đó chỉ có 13 trợ giúp viên pháp lý, mỗi năm mới chỉ thực hiện được khoảng 1 nghìn vụ việc tham gia tố tụng …). 
Có ý kiến cho rằng trợ giúp pháp lý đã được xác định là dịch vụ công thiết yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoạt động  để cung cấp dịch vụ này cho người thuộc diện được TGPL. Do đó, để nâng cao năng lực của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cũng như đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý thì cần bổ sung thêm nhiệm vụ thường xuyên rà soát vị trí việc làm và đề xuất sửa đổi hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, để có căn cứ đề xuất sát với thực tế cần có sự nghiên cứu, xây dựng về định mức số lượng người làm việc tại các Trung tâm TGPL nhà nước trên toàn quốc dựa trên các yếu tố có liên quan (ví dụ như số lượng vụ việc TGPL thực hiện được mỗi năm…).       
Ngoài ra, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm phát biểu đó là hiện đại hóa công tác trợ giúp pháp lý. Nội dung hiện đại hóa công tác trợ giúp pháp lý đã được giao tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và trước yêu cầu từ thực tiễn, các đại biểu cho rằng cần sớm triển khai các giải pháp về công nghệ thông tin như số hóa hồ sơ; xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu trợ giúp pháp lý; kết nối, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành có liên quan; nghiên cứu vấn đề áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động trợ giúp pháp lý (trong đó có công nghệ trí tuệ nhân tạo)…
Kết thúc hội thảo, Ông Cù Thu Anh – Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Tổ trưởng Tổ soạn thảo đã ghi nhận những ý kiến góp ý của các đại biểu và đề nghị Ban Tổ chức tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý; nghiên cứu và tiếp thu ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án, bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra./.
 
Cục Trợ giúp pháp lý