Ngày 19/7, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phát biểu dẫn đề Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Ngô Quỳnh Hoa nêu rõ, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định hỗ trợ pháp lý là một trong 08 nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định 55/2019/NĐ-CP của chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã xây dựng đội ngũ tư vấn viên pháp luật (TVVPL), trách nhiệm đội ngũ TVVPL là bảo đảm các điều kiện hành nghề tư vấn pháp luật và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật liên quan đến tư vấn viên pháp luật.
Ở Việt Nam, tính đến nay, cả nước có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến hơn 97%. Nhu cầu hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp là rất lớn, tuy nhiên, theo số liệu thống kê, tính đến ngày 30/6/2024 thì cả nước có 18.200 luật sư; 5.400 tổ chức hành nghề luật sư; khoảng 200 trung tâm tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có Bộ Tư pháp, Bộ Công thương đã thiết lập, phê duyệt danh sách tư vấn viên pháp luật, trong đó chủ yếu là các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư (302 tư vấn viên pháp luật của Bộ Tư pháp và 02 tư vấn viên pháp luật của Bộ Công Thương). Có thể thấy với tỷ lệ chưa đến 1,3% số lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tham gia vào mạng lưới tư vấn viên pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì việc huy động mạng lưới này tham gia tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, để đáp ứng các nhu cầu cho doanh nghiệp là khó khả thi và khó bảo đảm chất lượng.
Luật sư Hoàng Ngọc Biên chia sẻ về thực trạng hoạt động của đội ngũ tư vấn viên trong thời gian vừa qua.
Chia sẻ về thực trạng hoạt động của đội ngũ tư vấn viên trong thời gian vừa qua tại Hội thảo, Luật sư Hoàng Ngọc Biên đã cho biết một số vướng mắc, khó khăn trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó, Luật sư Hoàng Ngọc Biên đã đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới, cụ thể: Nâng cao vai trò của tư vấn viên pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về vấn đề hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng một đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp, chuyên môn sâu; đồng thời Luật sư Hoàng Ngọc Biên cũng cho rằng, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan cần thống nhất trong quản lý nhà nước và có các cơ chế cho tư vấn viên có thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách thuận lợi, hiệu quả nhất.
Luật sư Nguyễn Duy Lãm phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Duy Lãm đã đánh giá thực trạng hoạt động của đội ngũ tư vấn viên. Theo đó, hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của mạng lưới tư vấn viên pháp luật hiện nay còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được đội ngũ luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật trong hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp. Qua các đánh giá thực trạng hoạt động của đội ngũ tư vấn viên, Luật sư Nguyễn Duy Lãm đã đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Đổi mới thủ tục đăng ký, xét tuyển và công nhận tư vấn viên pháp luật trong hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa phân cấp trong quản lý nhà nước về hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Một số đại biểu phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc trong thể chế và tổ chức thi hành trong quá trình thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định hiện hành. Đồng thời, các đại biểu cũng tích cực trao đổi, thảo luận về tiêu chuẩn, điều kiện của tư vấn viên pháp luật; thủ tục, hồ sơ đăng ký, công nhận tư vấn viên pháp luật; thẩm quyền tiếp nhận, phê duyệt danh sách tư vấn viên pháp luật; việc quản lý, sử dụng tư vấn viên pháp luật; nhu cầu và việc thực hiện bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng cho tư vấn viên pháp luật; cơ chế, chính sách đối với tư vấn viên pháp luật; xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu về văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật; thủ tục, hồ sơ thanh toán chi phí tư vấn pháp luật. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.
Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc phát biểu kết luận Hội thảo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc nêu rõ, Ban Tổ chức sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến báo cáo các cấp lãnh đạo. Cục trưởng Cục PBGDPL cho biết thêm, hiện nay Cục đang tiến hành tổng kết, đánh giá Nghị định 55, Cục trưởng mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của các chuyên gia, tư vấn viên, các doanh nghiệp trong công cuộc thiết kế lại nội dung thiết chế bảo đảm sự phù hợp, đi vào cuộc sống.