Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong tình hình mới

12/07/2024
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong tình hình mới
Ngày 12/7, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Cục QLXLVPHC&TDTHPL), Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tổ chức Hội thảo Thực trạng và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong tình hình mới. Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL và ông Onishi Hiromichi, Chuyên gia dài hạn dự án JICA tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có ông Chinone Koichi, Cố vấn trưởng Dự án JICA tại Việt Nam; ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý; Ông Nguyễn Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện pháp chế các bộ, ngành tại Trung ương và một số địa phương khu vực phía Bắc; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và một số cơ quan, tổ chức khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.


Ông Onishi Hiromichi, Chuyên gia dài hạn dự án JICA tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL cho rằng việc tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong tình hình mới” sẽ giúp Cục QLXLVPHC&TDTHPL, các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu tham dự sẽ hiểu rõ hơn và đánh giá được thực trạng công tác tổ chức thi hành pháp luật, thể chế hoạt động tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, phân tích, chỉ ra những kết quả đã đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện công tác tổ chức thi hành pháp luật tại các Bộ, ngành và địa phương. Từ đó, Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL Nguyễn Quốc Hoàn đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu tham dự Hội thảo chủ động, tích cực trao đổi, thảo luận và đề xuất, kiến nghị các giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.


Trưởng phòng Phòng Theo dõi thi hành pháp luật, Cục QLXLVPHC&TDTHPL Phạm Ngọc Thắng phát biểu tại Hội thảo.
 
Trình bày tại Hội thảo, ông Phạm Ngọc Thắng, Trưởng phòng Phòng Theo dõi thi hành pháp luật, Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã trình bày chuyên đề về “Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam trong thời gian tới”. Theo đó, ông Phạm Ngọc Thắng đã thông tin về những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đó trong các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật. 
Ông Phạm Ngọc Thắng đã nêu ra một số đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật như: Hoạt động tổ chức thi hành pháp luật cần phải đặt trong tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và bối cảnh Đảng ta có chủ trương hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính liên thông, gắn kết mật thiết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; Tổ chức tổng kết, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện thực trạng pháp luật về theo dõi, tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW; Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về theo dõi, tổ chức thi hành pháp luật theo hướng rà soát các văn bản QPPL có liên quan trong hệ thống văn bản QPPL về tổ chức thi hành pháp luật, nghiên cứu sửa đổi các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản khác hoặc chưa hợp lý, chưa khả thi, khó áp dụng trong thực tiễn.


Viện trưởng Viện Chiến lượng và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Cương phát biểu tại Hội thảo.
 
Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lượng và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã trình bày chuyên đề “Một số đề xuất, kiến nghị về đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công tác tổ chức thi hành pháp luật”. Ông Nguyễn Văn Cương cho biết các công nghệ cốt lõi trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung chủ yếu trong ba lĩnh vực: kỹ thuật số, vật lý và sinh học.
Các thành tựu nổi bật trong lĩnh vực kỹ thuật số là sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (Internet of Thing – IoT), công nghệ chuỗi khối (blockchain), điện toán đám mây (Cloud computing) và trí tuệ nhân tạo (AI). Lĩnh vực vật lý, thành tựu nổi bật chính là sự phát triển vượt bậc trong tự động quy trình robotic (RPA), công nghệ tự lái, công nghệ in 3D và vật liệu tiên tiến. Lĩnh vực sinh học, thành tựu nổi bật nhất chính là những đột phá của công nghệ di truyền.
Ông Nguyễn Văn Cương đã nêu ra những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật. Từ đó, ông cũng đã có một số đề xuất, kiến nghị một số giải pháp trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong tổ chức thi hành pháp luật như sau: Thực hiện các biện pháp truyền thông, nâng cao nhận thức về xu hướng ứng dụng các công nghệ mới trong tổ chức thi hành pháp luật để mọi người dân, cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo các cấp đều quan tâm, ủng hộ; Mở rộng mối quan tâm của các cơ quan có trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật từ không gian thực sang không gian mạng đồng thời đẩy mạnh tiến trình xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số; Hiện đại hóa Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; Nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ có liên quan trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông pháp luật; Thúc đẩy ứng dụng các công nghệ như camera giám sát ở một số nơi công cộng, gắn liền với việc xây dựng đô thị thông minh nhằm tự động hóa các công đoạn trong tổ chức thực hiện pháp luật ở một số ngành, một số lĩnh vực; Khuyến khích đội ngũ luật sư, luật gia, các tổ chức hành nghề luật sư tiến hành chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công việc để nâng cao hiệu suất công việc, mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân.




Một số đại biểu phát biểu tại Hội thảo.
 
Tại Hội thảo, đại diện pháp chế các bộ, ngành tại Trung ương và một số địa phương khu vực phía Bắc; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cũng đã trình bày các chuyên đề liên quan đến thực trạng và một số giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật tại đơn vị mình. 
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận cho ý kiến, kiến nghị các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong thời gian tới.
N.H