Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sáng ngày 20/6/2024, Bộ Tư pháp tổ chức họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ (sau đây gọi là dự thảo Nghị định).
Cuộc họp do ông Nguyễn Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp - Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì. Tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện của các bộ: Công an, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng và đại diện các đơn vị: Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cùng một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp: Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Vụ Pháp luật quốc tế.
Tại cuộc họp, bà Chu Thị Thu Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương - đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo tóm tắt về quá trình xây dựng và một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định. Theo đó, để kịp thời triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Sau khi nghe báo cáo tóm tắt của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với một số vấn đề cơ bản về sự cần thiết ban hành Nghị định; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định; sự phù hợp của nội dung dự thảo Nghị định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Nghị định với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định còn trao đổi về một số nội dung cụ thể liên quan đến dự thảo Nghị định như: khái niệm thuật ngữ “buôn bán”, “kinh doanh”, “hàng giả”; quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về kinh doanh xuất khẩu gạo, hành vi vi phạm trong giao dịch trên không gian mạng; quy định về mức tiền phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính…
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hoàn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu đầy đủ những ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Nghị định, báo cáo Chính phủ theo quy định./.
Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật