Sáng 13/6, Tổ Thư ký giúp việc của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã có buổi làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) về tình hình thực hiện các chương trình, đề án về truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (HTPLDN).
Tham gia buổi làm việc có Tổ trưởng Tổ Thư ký Lê Vệ Quốc – Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp; Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT Hoàng Mạnh Phương; một số thành viên Tổ Thư ký; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT; đại diện một số đơn vị chức năng liên quan…
Theo báo cáo, từ năm 2022 đến nay, Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 82 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Trong quá trình soạn thảo các văn bản này, Bộ đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức để tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội thông qua việc đăng tải dự thảo toàn bộ văn bản QPPL trên các Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp,... theo quy định của pháp luật để lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp trên phạm vi cả nước. Một số chính sách mới tại dự thảo Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã đã được truyền thông sâu rộng đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu…
Hằng năm, Bộ KH&ĐT đã chủ trì tổ chức các cuộc họp, thảo luận với cộng đồng doanh nghiệp (phục vụ cho Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp) nhằm lắng nghe khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó lồng ghép vào các báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và địa phương giải quyết theo thẩm quyền.
Một số thành viên của Tổ Thư ký.
Bộ KH&ĐT đã tích cực phối hợp với các dự án triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ đã đạt được một số kết quả tích cực: phát triển mạng lưới tư vấn cho DNNVV; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị, kết nối doanh nghiệp đầu mối, Bộ KH&ĐT đã chủ động phối hợp với một số nhà tài trợ quốc tế triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DNNVV trong khuôn khổ một số dự án hỗ trợ kỹ thuật. Tính đến nay, đã có hơn 300 DNNVV được các chuyên gia đánh giá, sàng lọc, qua đó lựa chọn đánh giá chuyên sâu cho hơn 100 doanh nghiệp và tiến hành nâng cấp kỹ thuật để giới thiệu cho doanh nghiệp đầu chuỗi từ một số thị trường chính như Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản, Hồng Kông – Trung Quốc và Việt Nam.
Về hỗ trợ tiếp cận tài chính, Bộ KH&ĐT đã tiến hành hỗ trợ chuyên sâu, trực tiếp với hơn 50 DNNVV về tiếp cận tài chính và tái cơ cấu nợ. Trên cơ sở hỗ trợ của Dự án, 21 DNNVV đã vay vốn thành công với tổng số vốn hơn 18 triệu USD…
Do số lượng biên chế còn hạn chế, quá trình tham mưu các văn bản QPPL, Bộ KH&ĐT thường ưu tiên tập trung về nội dung văn bản, nên chưa thể xây dựng kế hoạch riêng để truyền thông các chính sách trong quá trình xây dựng mà thường thực hiện chung trong quá trình lấy ý kiến dự thảo văn bản; chưa bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện các Đề án, chủ yếu là kiêm nhiệm; Kinh phí cho triển khai các Đề án còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép.
Tại buổi làm việc, một số thành viên Tổ thư ký ghi nhận những kết quả mà Bộ KH&ĐT đã đạt được trong việc thực hiện các chương trình, đề án về truyền thông, PBGDPL và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các thành viên đề nghị Bộ lưu tâm, tăng cường bồi dưỡng về mặt pháp lý cho doanh nghiệp; cần đa dạng hóa các mô hình, cách thức truyền thông; quan tâm các kế hoạch truyền thông; đăng tải các thông tin góp ý kiến của người dân, doanh nghiệp…
Tổ trưởng Tổ Thư ký Lê Vệ Quốc – Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp phát biểu kết luận tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT Hoàng Mạnh Phương cho biết, Bộ KH&ĐT làm công tác truyền thông chính sách khá tốt. Hàng năm Bộ đều có quyết định truyền thông chính sách với từng nội dung, phương án cụ thể. Tuy nhiên, theo ông Phương, do Bộ có nhiều đặc thù, liên quan đến nhiều lĩnh vực: đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp… nên áp lực rất lớn, số lượng công văn nhiều, nhiều văn bản của địa phương cần ý kiến của nhiều bộ, ngành liên quan nên đôi lúc Vụ Pháp chế không kịp xử lý, trả lời ngay.
Phát biểu kết luận, Tổ trưởng Tổ Thư ký Lê Vệ Quốc – Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp chia sẻ những khó khăn mà Bộ KH&ĐT gặp phải, đồng thời ghi nhận những kết quả tích cực mà Bộ KH&ĐT đã đạt được.
Tuy nhiên, theo Tổ trưởng Tổ Thư ký, Bộ KH&ĐT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: hướng dẫn cho các đơn vị chức năng triển khai xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách chưa được liền mạch ở một số lĩnh vực; Việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Bộ chưa được thực hiện một cách bài bản, cô đọng; sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT và giữa Bộ KH&ĐT với các bộ, ngành khác chưa được chặt chẽ.
Tổ trưởng Tổ Thư ký đề nghị Bộ KH&ĐT cần tìm ra những giải pháp để khắc phục những khó khăn, tồn tại nêu trên trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, ông Quốc mong Bộ KH&ĐT tiếp tục có sự chia sẻ, phối hợp để sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 55 về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; phối hợp tổ chức triển khai diễn đàn kinh doanh và pháp luật./.
Hồng Mây