Chiều ngày 30/5, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tổ chức Tọa đàm trực tuyến trao đổi về dự thảo Khung tiêu chí chung và định hướng xây dựng Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm công tác PBGDPL với sự chủ trì của đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL. Tham dự Tọa đàm có đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL; đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Dân tộc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa; đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa và một số cơ quan, tổ chức có liên quan tại 02 điểm cầu địa phương.
Phát biểu tại Tọa đàm, Tiến sĩ Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL nhấn mạnh, trong thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ của Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL” (phê duyệt theo Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL. Đến thời điểm hiện tại, Khung tiêu chí chung cơ bản đã được định hình rõ nét, có sự đổi mới về cách tiếp cận so với Thông tư số 03/2018/TT-BTP ngày 10/3/2018, cụ thể như sau:
Thứ nhất, việc đánh giá thí điểm hiệu quả PBGDPL phải gắn với từng lĩnh vực pháp luật, hình thức PBGDPL, đối tượng được PBGDPL, địa bàn, thời điểm cụ thể mà không đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL một cách chung chung như trước đây.
Thứ hai, các tiêu chí được xác định cụ thể để đánh giá chất lượng công tác quản lý nhà nước kết hợp với hiệu quả đầu ra của hoạt động PBGDPL, trong đó có tiêu chí cụ thể xác định việc thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng được PBGDPL.
Thứ ba, cần phải lượng hóa tối đa hiệu quả công tác PBGDPL dựa trên các chỉ số rõ ràng.
Thứ tư, Bộ Tư pháp xây dựng Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL, các bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm căn cứ Khung tiêu chí chung, dựa trên yêu cầu công tác PBGDPL và đặc thù của bộ, ngành, địa phương xây dựng Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL ở một thời gian cụ thể. Kết quả thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL không được dùng để làm tiêu chí đánh giá xếp loại, thi đua khen thưởng mà mục đích chính là để nhận diện được những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong triển khai công tác PBGDPL; từ đó đề ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Tại Tọa đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL khái quát cách tiếp cận, những nội dung chính của dự thảo Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL. Theo đó, Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL do Bộ Tư pháp ban hành, gồm 02 nhóm: (i) Nhóm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm quản lý nhà nước về PBGDPL (45 điểm); (ii) Nhóm tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra của hoạt động PBGDPL của bộ, ngành, địa phương (55 điểm). Đồng thời, cũng gợi mở một số định hướng xây dựng Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL tại hai địa phương (tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Thanh Hóa). Theo đó, trên cơ sở điểm số và đặc thù, thực tế của 2 địa phương về kinh tế, xã hội, dân cư, văn hóa, địa lý, phong tục, tập quán để bổ sung các chỉ tiêu cụ thể tại các tiêu chí như: Tiêu chí 1.5 (Mức độ thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL); Tiêu chí 1.6 (Mức độ đáp ứng yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác PBGDPL), có thể bổ sung hình thức PBGDPL trực tuyến, biên soạn tài liệu PBGDPL điện tử, PBGDPL qua mạng xã hội...; Tiêu chí 1.7 (Mức độ hoàn thành trách nhiệm về xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả về PBGDPL), đồng thời chủ động phân bố điểm cho từng chỉ tiêu. Đối với nhóm Tiêu chí 2 (Nhóm tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra của hoạt động PBGDPL của các địa phương), các địa phương thí điểm căn cứ vào hướng dẫn tại Tiêu chí 2.1 (Mức độ đánh giá của đối tượng thụ hưởng về chất lượng tổ chức các hoạt động PBGDPL cụ thể ), Tiêu chí 2.2 (Mức độ tác động của các hoạt động PBGDPL cụ thể) với điểm số là 55 điểm để bổ sung chỉ tiêu và xác định điểm số đối với từng mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí cũng gợi mở một số đối tượng (đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động trong doanh nghiệp, ngư dân…); nội dung PBGDPL (pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm; đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, du lịch, bảo vệ môi trường, di sản văn hóa...); hình thức PBGDPL cụ thể để hai địa phương có thể lựa chọn để đánh giá thí điểm sau khi Khung tiêu chí chung được ban hành.
Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm trao đổi và nhất trí với cách tiếp cận và những nội dung cơ bản của dự thảo Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL. Thống nhất nhận thức về Tiêu chí riêng khi xây dựng cần xác định rõ phạm vi, địa bàn thí điểm ở lĩnh vực pháp luật, nhóm đối tượng cụ thể. Việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân chính là thước đo đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.
Góp ý đối với dự thảo Quyết định ban hành Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa có ý kiến đề nghị nghiên cứu, làm rõ thêm về chủ thể chấm điểm, quy trình, cách thức chấm, thẩm định kết quả chấm điểm phù hợp với từng phạm vi đánh giá thí điểm là cấp huyện và sở, ngành. Đối với việc xây dựng Tiêu chí riêng, trên cơ sở Khung tiêu chí chung, địa phương sẽ lựa chọn, xác định rõ lĩnh vực đánh giá gắn với những vấn đề dự luận xã hội quan tâm, đối tượng, địa bàn thực hiện thí điểm đánh giá hiệu quả.
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Đồng chí Đặng Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa đề nghị Bộ Tư pháp cần sớm có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện thí điểm; hỗ trợ địa phương nghiên cứu xây dựng ban hành Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh…
Tại Tọa đàm, đồng chí Cục trưởng Cục PBGDPL đã trao đổi, giải đáp, làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm, trong đó đồng chí dành nhiều thời gian trao đổi, chia sẻ về chủ thể chấm điểm, quy trình, cách thức chấm, thẩm định kết quả chấm điểm; việc chọn đối tượng, nội dung, hình thức PBGDPL để đánh giá, giúp các địa phương hiểu rõ hơn để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Các đại biểu đánh giá cao về kết quả của Tọa đàm, qua đó thống nhất nhận thức, nắm rõ hơn nội dung và cách làm, từ đó góp phần triển khai hiệu quả hơn Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL. Đại diện Lãnh đạo của hai Sở Tư pháp và các ngành đều mong Cục PBGDPL tiếp tục quan tâm phối hợp với địa phương trong triển khai thực hiện đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới./.