Sáng ngày 17.5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn công tác của Tổng cục thi hành án dân sự (THADS) do đồng chí Nguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng làm trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với các cơ quan THADS Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến án tín dụng ngân hàng. Trước đó, ngày 16.5.2024 Đoàn công tác của Tổng cục THADS đã bắt đầu làm việc với các đơn vị Cục và Chi cục THADS có hồ sơ án tín dụng ngân hàng.
Về phía Đoàn công tác của Tổng cục THADS có đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng; Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Vụ trưởng Vụ Giải quyết KNTC cùng các thành viên Đoàn thuộc Tổng cục THADS.
Về phía Cục THADS Thành phố có đồng chí Nguyễn Văn Hòa – Cục trưởng; đồng chí Nguyễn Thanh Hà - Phó Cục trưởng; các đồng chí lãnh đạo phòng Nghiệp vụ 1; Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Thủ Đức và các quận/huyện cùng các Chấp hành viên tại Cục và Chi cục THADS có hồ sơ liên quan.
Buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo và các thành viên của: Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng: Vietinbank, Agribank; Vietcombank; BIDV; SCB; VP bank...
Toàn cảnh buổi làm việc.
Theo báo cáo của Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, công tác THADS tại Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và công tác thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng nói riêng tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, UBND và cấp ủy, chính quyền địa phương. Từ những tháng đầu tiên của năm công tác, Lãnh đạo Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị THADS toàn Thành phố xây dựng kế hoạch công tác năm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bám sát chương trình, kế hoạch công tác năm của Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS, tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; thị trường trái phiếu, bất động sản gặp nhiều khó khăn gây áp lực, rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu gia tăng. Từ những lý do trên đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác tổ chức thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng và ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao.
Đại biểu tham dự buổi làm việc.
Về kết quả liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng 07 tháng đầu năm 2024. Tổng số đã thụ lý 6.234 việc, tương ứng với số tiền là 26.200.285.144 ngàn đồng (chiếm tỷ lệ 7,30% về việc và 18,76% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành trên địa bàn). So với cùng kỳ năm 2023, về việc tăng 1. 245 việc (tương ứng 24,95%) và về tiền tăng 4.763.230.155 ngàn đồng (tương ứng 22,22%). Thi hành xong được 195 việc, thu được số tiền là 2.558.229.854 ngàn đồng, đạt tỷ lệ 6,38% về việc và 14,20% về tiền. So với cùng kỳ năm 2023, thi hành xong về việc tăng 39 việc (tương ứng 25%) và về tiền tăng 1.000.348.714 ngàn đồng (tương ứng 64,21 %).
Các cơ quan Thi hành án luôn xem việc thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng là một trong những công tác trọng tâm của đơn vị. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan THADS cũng như sự kỳ vọng của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng luôn đạt tỷ lệ thấp so với mặt bằng chung. Nhiều vụ việc thi hành án đã thụ lý trên 03 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan: về quy định, trình tự còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, nhiều tài sản thế chấp bị thay đổi hiện trạng, xây dựng cơi nới thêm không giấy phép hoặc tháo dỡ; việc sai lệnh nhiều về diện tích giữa thực tế so với giấy chứng nhận gây khó khăn trong công tác kê biên tài sản…
Số việc và tiền thụ lý liên quan đến án tín dụng ngân hàng “năm sau luôn cao hơn năm trước” trong khi số lượng biên chế không tăng đã gây áp lực cho Chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành án. Bên cạnh đó công tác phối hợp giữa các tổ chức tín dụng ngân hàng với cơ quan Thi hành án, Chấp hành viên chưa kịp thời, chưa xác định kết quả thi hành án là kết quả chung để giúp cả hai đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.
Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái.
Phát biểu kết luận tại các buổi làm vệc, Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái và Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn ghi nhận những nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành cũng như hết quả công tác THADS nói chung và kết quả công tác về án tín dụng ngân hàng của cả hệ thống các cơ quan THASD Thành phố Hồ Chí Minh. Lãnh đạo Tổng cục THADS yêu cầu Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện một số nội dung sau:
Nâng cao nhận thức hơn nữa về tầm quan trọng của công tác thi hành án tín dụng ngân hàng, coi đây là một trong những giải pháp trọng yếu để hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao; phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò của Thủ trưởng đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, kịp thời và hiệu quả. Phấn đấu nâng cao kết quả thi hành án tín dụng, ngân hàng không thấp hơn kết quả thi hành án nói chung của các đơn vị THADS toàn Thành phố.
Giao Cục trưởng Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thi hành án các vụ việc tín dụng ngân hàng, kinh doanh thương mại trong phạm vi toàn Thành phố, tổng hợp chung các vụ việc trên địa bàn để báo cáo Tổng cục. Chi cục trưởng theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đối với các vụ việc tín dụng ngân hàng, kinh doanh thương mại thuộc địa bàn quản lý, báo cáo tiến độ thường xuyên…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn.
Thủ trưởng các đơn vị THADS trực thuộc tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo Chấp hành viên tập trung rà soát kỹ những vụ việc còn tồn đọng liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra các giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành. Phân công lãnh đạo đơn vị trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về tiến độ và hiệu quả tổ chức thi hành án dối với những vụ việc phức tạp, có giá trị lớn. Đối với những vụ việc chậm thi hành án do nguyên nhân chủ quan của cá nhân, đơn vị cần phải nghiêm túc chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm, bảo đảm thực hiện kịp thời nhiệm vụ được giao và đúng quy định của pháp luật. Cụ thể:
Đối với các vụ việc có điều kiện thi hành: Tập trung kiểm soát chặt chẽ, chỉ đạo quyết liệt, xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành án đối với từng vụ việc trên địa bàn, nhất là các vụ việc có điều kiện, trên 01 năm chưa thi hành xong. Trường hợp các vụ việc có điều kiện thi hành, trên 01 năm chưa thi hành xong mà không có lý do chính đáng thì cần xem xét, xử lý nghiêm theo quy định.
Đối với các vụ việc phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc, liên quan đến nhiều cơ quan: Cần tranh thủ báo cáo Ban chỉ đạo THADS, phối hợp liên ngành, tập trung chỉ đạo thi hành dứt điểm. Trường hợp có vướng mắc từ phía các tổ chức tín dụng, ngân hàng, cần tổng hợp, báo cáo, thông tin đến cơ quan cấp trên để phối hợp Ngân hàng Nhà nước cùng cấp tháo gỡ.
Đối với việc thống kê, phân loại án: Rà soát, thống kê, phân loại chính xác kết quả án tín dụng ngân hàng, đảm bảo xác định rõ, cụ thể số liệu các vụ việc về kinh tế, tham nhũng, các vụ việc về tín dụng, ngân hàng.
Tổng cục THADS sẽ chỉ đạo các Vụ nghiệp vụ có kế hoạch phân công theo dõi sâu đối với các vụ việc của địa phương, đặc biệt là các vụ việc điển hình. Phân định rõ trách nhiệm để cùng kiểm soát, đôn đốc, xác định vai trò của từng cấp, không để tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, lơ là dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật bị xử lý trách nhiệm. Cục THADS Thành phố tập trung chỉ đạo, rà soát, kiểm tra toàn bộ các Kết luận, văn bản của Lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo về công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng và báo cáo kết quả thực hiện về Tổng cục THADS đúng thời gian./.