Lớp tập huấn thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) tại tỉnh Phú Yên

06/05/2024
Lớp tập huấn thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) tại tỉnh Phú Yên
Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu tài trợ (Dự án EU JULE), trong các ngày 03 - 04/5/2024, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Lớp tập huấn cho báo cáo viên pháp luật và công chức tư pháp về thực hiện Công ước ICCPR tại tỉnh Phú Yên. Hội nghị do ông Nguyễn Hữu Huyên - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp chủ trì và có sự tham gia của bà Phan Thị Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên.
Phát biểu khai mạc tập huấn, Ông Nguyễn Hữu Huyên - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế nhấn mạnh Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến bảo vệ quyền con người. Ngay trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền tự do. Lần lượt 04 bản Hiến pháp và rất nhiều văn bản luật, pháp lệnh, nghị định…đã cụ thể hóa quyền con người trong các lĩnh vực cụ thể, bảo đảm nền độc lập tự do, cơm no áo ấm cho mọi người dân Việt Nam. Với nhiệm vụ được giao giúp Chính phủ làm cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Bộ Tư pháp luôn quan tâm tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tập huấn về Công ước này nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức các cơ quan pháp luật và tư pháp từ Trung ương xuống địa phương về việc bảo vệ quyền và lợi ích của  người dân trong lĩnh vực dân sự, chính trị; nâng cao khả năng từng bước vận dụng kiến thức về Công ước ICCPR vào nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan đơn vị.


 
Tham dự hội nghị tập huấn có các đại biểu là các cán bộ, công chức đến từ các cơ quan thi hành pháp luật (như Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự) tại các tỉnh miền Trung như Phú Yên, Khánh Hoà, Gia Lai, Bình Định, Kon Tum, Ninh Thuận... Tại tập huấn, các học viên được nghe các báo cáo viên là giảng viên Đại học Luật Hà Nội giới thiệu các nội dung cơ bản về quyền con người, Công ước ICCPR, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ Công ước ICCPR cũng như truyền đạt một số nội dung cụ thể như vấn đề hạn chế quyền và tạm đình chỉ quyền theo Công ước ICCPR; quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử; quyền được bảo vệ trước sự can thiệp bất hợp pháp; quyền của nhóm dễ bị tổn thương, cơ chế xây dựng Báo cáo quốc gia và nghĩa vụ thực thi Công ước ICCPR của Việt Nam...Trong quá trình tập huấn, các báo cáo viên cũng chú trọng vào việc chia sẻ các kỹ năng cho tập huấn viên, dành thời gian cho các nhóm thực hành (thuyết trình; thảo luận nhóm; thực hành; bài tập tình huống), trao đổi thông tin giữa đội ngũ các cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quyền dân sự, chính trị. 


 
Trong phần khảo sát lấy ý kiến, đánh giá, phản hồi về Lớp tập huấn, các học viên đã đánh giá cao đối với việc tổ chức lớp tập huấn (chương trình, nội dung, báo cáo viên) và mong muốn sẽ được thường xuyên tham dự các lớp tập huấn tương tự, vì đây là cơ hội để các cán bộ, công chức, đặc biệt là các đội ngũ báo cáo viên cơ sở được trang bị thêm kiến thức về Công ước ICCPR, qua đó sẽ góp phần tập huấn lại cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình một cách hiệu quả.