Họp Tổ biên tập xây dựng Dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 19/2011/NĐ-CP, Nghị định 24/2019/NĐ-CP

25/03/2024
Họp Tổ biên tập xây dựng Dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 19/2011/NĐ-CP, Nghị định 24/2019/NĐ-CP
Ngày 21/3/2024, Bộ Tư pháp tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định19/2011/NĐ-CP và Nghị định 24/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi (gọi tắt là Dự thảo Nghị định). Thành phần tham dự gồm các thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập được thành lập theo Quyết định số 325/QĐ-BTP ngày 08/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là đại diện của: Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và một số đơn vị thuộc Bộ có liên quan (Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực).
Dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở những đòi hỏi cấp thiết của việc triển khai Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 04/7/2017 của Chính phủ về đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ và những văn bản chỉ đạo khác có liên quan, đồng thời nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác giải quyết nuôi con nuôi. Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 19/2011/NĐ-CP và Nghị định 24/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) đã trình bày tóm tắt các nội dung: Sự cần thiết ban hành Nghị định, mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định, quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định và bố cục, nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định. Theo đó, dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 05 nhóm vấn đề chính:
  • Nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân đảm bảo ứng dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các TTHC về nuôi con nuôi trên môi trường mạng;
  • Quy đinh được sửa đổi, bổ sung để thực hiện phương án phân cấp trong giải quyết TTHC trong lĩnh vực nuôi con nuôi;
  • Nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung để tạo sự thống nhất giữa quy định pháp luật về nuôi con nuôi với quy định pháp luật có liên quan;
  • Quy định được bổ sung để thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến xây dựng và triển khai công tác hỗ trợ giải quyết việc nuôi con nuôi và công tác xã hội trong lĩnh vực nuôi con nuôi;
  • Nhóm các quy định được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực hiện công tác giải quyết nuôi con nuôi theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Sau khi nghe trình bày, các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã thảo luận sôi nổi và tích cực đóng góp ý kiến. Về cơ bản, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 19/2011/NĐ-CP và Nghị định 24/2019/NĐ-CP và đánh giá cao dự thảo Nghị định, đồng thời, nhất trí cần trú trọng chuyển đổi các hình thức chăm sóc thay thế sang nuôi con nuôi và tăng cường việc giải quyết nuôi con nuôi trực tuyến. Tuy nhiên, với mục đích hoàn thiện dự thảo Nghị định, cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định cần: Bổ sung thêm báo cáo đánh giá tình hình thực tiễn công tác giải quyết nuôi con nuôi để có cơ sở vững chắc đối với nhóm các quy định được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực hiện công tác giải quyết nuôi con nuôi; việc sửa đổi, bổ sung các quy định không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và tăng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan; cân nhắc việc quy định vấn đề bổ sung, thay đổi thông tin hộ tịch trong Dự thảo Nghị định để tránh vấn đề này được quy định “tản mản” ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và lưu ý kỹ thuật xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Về cơ bản, Phiên họp thứ nhất của Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã nhận được sự đồng thuận khá cao đối với nhiều vấn đề. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ khẩn trương tiếp thu hoàn thiện dự thảo Nghị định và sẽ sớm tổ chức cuộc họp tiếp theo của Ban soạn thảo, Tổ biên tập để lấy ý kiến các thành viên cũng như các cơ quan ban ngành có liên quan trước khi trình Chính phủ vào tháng 4 tới đây.
Một số hình ảnh tại cuộc họp