Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng giải quyết công việc

23/01/2024
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng giải quyết công việc
Triển khai hoạt động tập huấn chuyên môn nghiệp vụ năm 2024, nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ viên chức, người lao động tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản (Trung tâm Đăng ký), ngày 20/01/2024, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Cục Đăng ký) đã tổ chức Lớp tập huấn về nghiệp vụ trong đăng ký biện pháp bảo đảm, trong thao tác sử dụng phần mềm đăng ký trực tuyến, về kỹ năng giải quyết công việc cho toàn bộ viên chức, người lao động của các Trung tâm Đăng ký giao dịch. Lớp tập huấn do bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký chủ trì.
 

 
 
Phát biểu chỉ đạo tại Lớp tập huấn, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hằng nhấn mạnh, công tác đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cục Đăng ký do các Trung tâm Đăng ký thực hiện. Do đó, việc tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho Trung tâm Đăng ký có ý nghĩa quan trọng nhằm thống nhất nhận thức, áp dụng các quy định pháp luật, thống nhất xử lý, giải quyết các tình huống phát sinh trong thực tiễn công tác đăng ký đối với cán bộ đăng ký, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công.  

       

Tại Lớp tập huấn, viên chức, người lao động của các Trung tâm Đăng ký đã được nghe bà Nguyễn Quang Hương Trà - Trưởng Phòng Quản lý nghiệp vụ giới thiệu một số vấn đề cần thống nhất trong nghiệp vụ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung; bằng cây hằng năm, công trình tạm và ông Nguyễn Công Hùng - Trưởng phòng Phòng Quản lý đăng ký trực tuyến và thông tin dữ liệu về biện pháp bảo đảm giới thiệu những điểm mới cũng như vấn đề cần lưu ý khi sử dụng phần mềm đăng ký trực tuyến.

       

Lớp tập huấn cũng dành nhiều thời gian để cán bộ đăng ký của các Trung tâm nêu vấn đề cũng như đề xuất giải đáp, hướng dẫn một số vấn đề cụ thể phát sinh trong thực tiễn công tác đăng ký như: (i) về cách xác định tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký trong một số trường hợp người yêu cầu đăng ký kê khai thông tin tài sản là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng, kê khai thông tin về hợp đồng là căn cứ phát sinh quyền tài sản, kê khai tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển có số khung… (ii) về xác định hình thức tài liệu nộp kèm hồ sơ trong trường hợp Phiếu yêu cầu thiếu một trong chữ ký, con dấu của các bên; (iii) về từ chối đăng ký đối với một số yêu cầu đăng ký kê khai trùng lặp… Qua trao đổi, cán bộ đăng ký cũng nêu một số vướng mắc khi sử dụng phần mềm mới, đề xuất vấn đề cần hoàn thiện trong thời gian tới như nghiên cứu thiết kế trường “mô tả chung” về tài sản bảo đảm một cách phù hợp nhất đối với từng loại tài sản bảo đảm để cán bộ đăng ký không phải kê khai mục này nhiều lần… Trên cơ sở đó, qua trao đổi, thảo luận, Lãnh đạo Cục, đại diện các phòng chuyên môn của Cục cũng đã có giải đáp, hướng dẫn thống nhất một số vấn đề trong nghiệp vụ đăng ký biện pháp bảo đảm thuộc thẩm quyền của Trung tâm Đăng ký; đồng thời Cục cũng ghi nhận kiến nghị của Trung tâm về một số quy định pháp luật cần hoàn thiện, một số chức năng phần mềm đăng ký trực tuyến cần chỉnh sửa. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Cục, trong thời gian tới, đây là những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai để đáp ứng tốt nhất yêu cầu về chất lượng trong cung cấp dịch vụ công tại các Trung tâm.