Hôm qua 5/6 tại Hà Nội, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL - Bộ Tư pháp) phối hợp với UNDP tổ chức hội thảo về tiếp cận thông tin pháp luật. Với việc tổ chức khảo sát tại 9 tỉnh thành trong cả nước (Hà Nội, Nam Định, Yên Bái, Hà Tĩnh, Đăk Lăk, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh và Cần Thơ) cho thấy: nhu cầu được tìm hiểu pháp luật của người dân là rất lớn, song phía cơ quan nhà nước đáp ứng còn có hạn.
Nhà nước: quan tâm nhiều hơn đến công tác PBGDPL
“Mười năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đã có sự quan tâm rất lớn, huy động cả hệ thống chính trị vào công tác PBGDPL”, TS. Hàn Mạnh Tiến – Giám đốc Công ty Nghiên cứu và tư vấn chuyển giao công nghệ và đầu tư (Concetti) nhận xét như vậy trong cuộc Hội thảo. TS. Tiến đã dẫn chứng hàng loạt các văn bản được ban hành trong thời gian gần đây như Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 32 của Ban Bí thư... Kết quả khảo sát hiện trạng tiếp cận thông tin pháp luật của người dân ở cơ sở do Cty Concetti thực hiện cũng đã cho thấy: 93% số cán bộ được hỏi trong cấp uỷ và UBND các cấp tại các tỉnh khảo sát cho rằng họ quan tâm nhiều đến công tác PBGDPL, gần 100% cán bộ được phỏng vấn đều thấy rõ tầm quan trọng và ảnh hưởng của việc hiểu biết pháp luật của người dân tác động đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Về phía người dân, gần 100% cho rằng thông tin pháp luật đem lại lợi ích cho cuộc sống hàng ngày, giúp họ tôn trọng pháp luật hơn và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho chính bản thân mình. Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL đã được kiện toàn củng cố, phần lớn tại các xã, phường mà Concetti khảo sát đều đã thành lập Hội đồng phối hợp PBPL, nơi ít là 4,5 thành viên, nhiều lên tới 9, 10 người. Các hình thức PBPL cũng đã được phát triển hết sức phong phú, đa dạng với từng đối tượng, từng độ tuổi, từng địa phương, vùng miền.
Việc đầu tư kinh phí đã có những chuyển biến cơ bản - nhất là từ sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL – ông Tiến đánh giá. Tuy nhiên thực tế, trên 58% cán bộ được hỏi cho biết thiếu kinh phí cho hoạt động này. Họ còn cho rằng, kinh phí PBPL hiện nay không đồng đều, chế độ chi tiêu tài chính lạc hậu, có lúc có tiền mà không chi được. Khoảng 78% số cán bộ có phản hồi cho rằng chế độ đãi ngộ chưa hợp lý, và cũng có tới 61% cán bộ cho là cơ sở vật chất phục vụ PBPL là không đủ. Về tài liệu nghiệp vụ, 60% cán bộ cho là đủ còn lại là không.
Người dân: chỉ tiếp cận thông tin khi cần thiết
Báo cáo của Concetti nêu rõ một thực tế ở Việt Nam hiện nay là tuyệt đại đa số người dân chỉ chủ động tìm kiếm thông tin pháp luật trong trường hợp thật cần thiết có liên quan đến bản thân, gia đình, bạn bè. 37% cho rằng họ đã từng yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin pháp luật. Lý do chính của việc người dân chưa bao giờ yêu cầu cung cấp thông tin là do không có nhu cầu (chiếm 74,9%), do ngại thủ tục rườm rà (17,7%), còn lại là những nguyên nhân khác (như cho rằng yêu cầu cũng không được trả lời, hay vì nghe nói phải có sự thân quen hoặc phải đưa tiền…).
Từ những con số nêu trên có thể thấy rằng, thông tin pháp luật rất cần thiết với người dân đặc biệt khi họ có việc liên quan đến pháp luật cần giải quyết. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước đáp ứng như thế nào mới là vấn đề quan trọng. Theo kết quả khảo sát của Concetti chỉ có 3 cơ quan được đánh giá là có thái độ ứng xử tốt đối với việc cung cấp thông tin cho người dân là tổ hoà giải cơ sở, UBND cấp xã và cơ quan thông tin đại chúng. Còn cơ quan kém nhất là Toà án. Trong khi có tới 92% cán bộ ở địa phương khẳng định không gây phiền nhiễu cho dân thì 40% cán bộ ở TW đánh giá hiện tượng gây phiền nhiễu cho người dân khi đến tìm hiểu thông tin pháp luật là phổ biến. Đây cũng chính là những vấn đề mà các đại biểu (trong đó có nhiều người đang trực tiếp làm công tác PBPL ở địa phương) dành nhiều thời gian để thảo luận nhằm đưa ra những giải pháp tốt nhất để cải thiện tình hình. Theo ý kiến của phần lớn đại biểu, để người dân tiếp cận với thông tin pháp luật dễ dàng hơn thì vấn đề đầu tiên là cán bộ, công chức nhà nước phải nhìn nhận lại mình để thay đổi theo hướng phục vụ người dân một cách tốt hơn. Tất nhiên, bên cạnh đó là hàng loạt các vấn đề khác như nhà nước phải đầu tư nhiều hơn về kinh phí, cơ sở vật chất, có chế độ đãi ngộ thoả đáng cho người làm công tác PBGPL…
Thu Hằng