Hội nghị lấy ý kiến với Dự thảo Lộ trình thực hiện Bộ Công cụ trong cho nhận con nuôi quốc tế

27/12/2023
Hội nghị lấy ý kiến với Dự thảo Lộ trình thực hiện Bộ Công cụ trong cho nhận con nuôi quốc tế
Ngày 22/12/2023, Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Lộ trình thực hiện Bộ Công cụ phòng ngừa và xử lý các hành vi trái pháp luật trong việc cho nhận con nuôi quốc tế (gọi tắt là Bộ Công cụ) tại Việt Nam. Hội nghị diễn ra tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do bà Phạm Thị Kim Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Con nuôi, Bộ Tư pháp chủ trì cùng với sự tham gia của đại diện Sở Tư pháp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em của một số tỉnh khu vực phía Nam.
Bộ Công cụ được Uỷ ban đặc biệt về thực thi Công ước La Hay thông qua vào tháng 3/2023 với nội dung trọng tâm là đưa ra các khuyến nghị đối với các quốc gia là thành viên Công ước Lahay để phòng ngừa và xử lý các hành vi trái pháp luật trong việc cho nhận con nuôi quốc tế. Tại Hội nghị, đại diện Vụ Con nuôi đã trình bày Tóm tắt báo cáo tổng thuật về khuyến nghị của Bộ công cụ, những nội dung cần triển khai thực hiện Bộ Công cụ tại Việt Nam và dự thảo Lộ trình thực hiện Bộ Công cụ tại Việt Nam. Dự thảo Lộ trình cần lấy ý kiến được xây dựng theo hướng: với mỗi nội dung khuyến nghị của Hội nghị Lahay về Tư pháp quốc tế, Bộ Tư pháp sẽ đề xuất nhiệm vụ tương ứng phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam và xác định trách nhiệm của cơ quan thực hiện. Ngoài ra, Hội nghị cũng lắng nghe các bài tham luận của Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương và Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thị Nghè, thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi nghe trình bày các chuyên đề cũng như tham luận, các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận và trao đổi ý kiến. Về cơ bản, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng Lộ trình thực hiện Bộ Công cụ tại Việt Nam và cho rằng, Bộ Công cụ mới được thông qua, các nội dung này là rất quan trọng góp phần vào việc thực hiện Công ước Lahay tại Việt Nam, do đó, việc tuyên truyền, phổ biến về Bộ Công cụ là rất cần thiết và cần được quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị chỉnh sửa một vài nội dung của Kế hoạch liên quan đến trách nhiệm của ngành Lao động, Thương binh và xã hội để đảm bảo sự chính xác và đầy đủ, đồng thời đề nghị gia hạn thời gian bắt đầu triển khai Lộ trình là năm 2025, nghĩa là Lộ trình được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2025-2030,  thay vì được xác định là giai đoạn 2024-2030 như trong Dự thảo Quyết định phê duyệt Lộ trình nhằm tạo sự chủ động cho các cấp, các ngành và giúp các cơ quan được phân công thực hiện có thời gian để chuẩn bị nguồn lực cần thiết nhằm triển khai các nhiệm vụ được hiệu quả.

 Hội nghị tuy diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng đã có rất nhiều vấn đề được trao đổi. Đồng chí chủ trì Hội nghị khẳng định những ý kiến góp ý tại Hội nghị là rất thiết thực và Bộ Tư pháp (Vụ Con nuôi) sẽ tiếp thu để hoàn thiện Lộ trình này. Kết thúc Hội nghị, đồng chí Phạm Thị Kim Anh gửi lời cảm ơn tới các đại biểu đã đến tham dự, hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đại biểu trong các diễn đàn về nuôi con nuôi trong thời gian tới để công tác giải quyết nuôi con nuôi quốc tế nói riêng và công tác nuôi con nuôi nói chung ngày càng thực chất và hiệu quả, thể hiện trách nhiệm và cam kết của Việt Nam với tư cách là thành viên của Công ước Lahay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế.

* Một số hình ảnh tại Hội nghị