Sáng ngày 22/12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã tổ chức Hội thảo trao đổi, đánh giá về kết quả hoạt động năm 2023 và định hướng nội dung hoạt động năm 2024 của Tổ công tác. Đồng chí Hoàng Xuân Hoan - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cho biết, trong năm 2023 Tổ công tác đã triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: xây dựng các văn bản triển khai hoạt động năm 2023; theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật và tình hình xử lý kết quả rà soát văn bản QPPL; tổ chức rà soát, cho ý kiến độc lập và đề xuất giải pháp xử lý văn bản QPPL phục vụ triển khai Đề án 06; rà soát quy định pháp luật về thi hành án dân sự.
Qua Hội thảo ngày hôm nay, đồng chí đề nghị các đại biểu tham dự sẽ thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đồng thời đưa ra đề xuất, kiến nghị về giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác rà soát văn bản QPPL và xác định rõ nhiệm vụ năm 2024 đảm bảo tính phù hợp, khả thi, đạt hiệu quả cao trong quá trình thực hiện.
Báo cáo kết quả hoạt động năm 2023 và định hướng nội dung hoạt động năm 2024, đồng chí Trần Thu Giang - đại diện Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp cho biết, công tác rà soát văn bản của các bộ, ngành, địa phương nói chung và của Tổ công tác nói riêng tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Việc tổ chức thực hiện Kế hoạch được Tổ công tác triển khai chủ động, tích cực, kịp thời, bài bản, khoa học và hiệu quả với các hình thức khác nhau, trong đó đã tăng cường tổ chức các hoạt động hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi, nắm bắt, tiếp nhận các thông tin phản ánh về nhóm văn bản quy phạm pháp Tổ công tác thực hiện rà soát, cho ý kiến độc lập. Bộ Tư pháp với vai trò là Cơ quan thường trực của Tổ công tác đã kịp thời đôn đốc, kết nối, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các bộ, ngành tổ chức thực hiện rà soát, xử lý kết quả rà soát văn bản QPPL. Về cơ bản, các bộ, ngành đã tập trung, nghiêm túc thực hiện việc rà soát và xử lý kết quả văn bản.
Hoạt động rà soát, cho ý kiến độc lập đối với kết quả rà soát văn bản QPPL đã cơ bản bám sát mục đích, yêu cầu và phạm vi rà soát đã xác định. Qua rà soát, Tổ công tác đã phát hiện, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với các quy định pháp luật mâu thuẫn, bất cập, không phù hợp thực tiễn hoặc để đáp ứng triển khai các mục tiêu cụ thể (như triển khai Đề án 06) - Kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện đã được kết nối, sử dụng trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền. Tính đến nay, các bộ, ngành đã thực hiện và hoàn thành việc xử lý, tham mưu xử lý đối với …. văn bản; đang nghiên cứu, xử lý, tham mưu xử lý đối với …. văn bản trên cơ sở kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện trong các năm 2020, 2021, 2022.
Bên cạnh mặt tích cực đã đạt được, hoạt động của Tổ công tác còn một số khó khăn, hạn chế như: trong thời gian qua, các bộ, ngành phải triển khai đồng thời nhiều nhiệm vụ rà soát văn bản mới do nhiều cơ quan có thẩm quyền yêu cầu với phạm vi rộng, đối tượng văn bản cần rà soát lớn, thời hạn thực hiện ngắn; một số trường hợp còn có sự đan xen, trùng lắp về phạm vi rà soát dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện và báo cáo kết quả rà soát văn bản; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện rà soát và xử lý kết quả rà soát văn bản trong một số trường hợp vẫn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả; việc xử lý kết quả rà soát văn bản QPPL mặc dù đã được khẩn trương triển khai, nhưng đến nay vẫn còn số lượng lớn các văn bản chưa hoàn thành việc xử lý,...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ; tình hình và giải pháp thực thi các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo phạm vi quản lý của các bộ, ngành trong bối cảnh triển khai Đề án 06.
Đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ trình bày tham luận về tình hình và giải pháp thực thi các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo phạm vi quản lý của các bộ, ngành trong bối cảnh triển khai Đề án 06
Đại diện Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp cho ý kiến tại Hội thảo
Theo đó, một số định hướng, giải pháp được kiến nghị, đề xuất tại Hội thảo trong năm 2024 như sau: kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung nghiên cứu, đánh giá, xử lý các văn bản QPPL có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn đã được Tổ công tác chỉ ra (trong các năm 2020, 2021, 2022, 2023) bảo đảm đúng thời gian, tiến độ theo kế hoạch; kịp thời báo cáo Tổ công tác tình hình, kết quả thực hiện theo yêu cầu;
Tổ chức rà soát, cho ý kiến độc lập về phương án xử lý đối với việc thực thi các Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo phạm vi quản lý của từng bộ, ngành;
Tổ chức rà soát, cho ý kiến độc lập và đề xuất giải pháp xử lý đối với vướng mắc cụ thể về pháp lý mà các cơ quan quản lý còn có ý kiến khác nhau trong việc xác định quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn hoặc ý kiến khác nhau về phương án xử lý kết quả rà soát văn bản. Trong trường hợp này, Tổ công tác sẽ triển khai nhiệm vụ khi có một trong các căn cứ như sau: (i) Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của các cơ quan, người có thẩm quyền khác; (ii) Theo đề nghị của các bộ, ngành; (iii) Theo kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp;
Tổ chức làm việc, đôn đốc các bộ, cơ quan thực hiện chất lượng, hiệu quả công tác rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật bằng các hình thức phù hợp; trong đó sẽ tập trung rà soát, đánh giá việc xử lý kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện trong các năm 2020, 2021, 2022, 2023 nhằm đẩy mạnh việc xử lý kết quả rà soát văn bản đã được thực hiện trong các năm vừa qua và tăng cường gắn kết công tác rà soát văn bản với công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật;
Tổ trưởng Tổ công tác ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Tổ công tác sau khi Lãnh đạo Chính phủ cho ý kiến đối với kết quả hoạt động năm 2023 và dự kiến Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Tổ công tác./.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu cho ý kiến tại Hội thảo
Đại diện Bộ Tài chính phát biểu cho ý kiến tại Hội thảo
Đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu cho ý kiến tại Hội thảo
Thu Nga - Trung tâm Thông tin