Hoàn thiện thể chế nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

13/12/2023
Hoàn thiện thể chế nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Sáng 13/12, đồng chí Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Bùi Thu Hằng, Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, bối cảnh thế giới và trong nước những năm gần đây có nhiều biến động, phát sinh nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ, cần sự can thiệp bằng pháp luật, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều yêu cầu thực tiễn phát sinh đòi hỏi phải kịp thời giải quyết kịp thời nhằm tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra, thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong nhiều trường hợp đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải nâng cao năng lực nhận diện, phản ứng chính sách để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới VBQPPL nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL cần có tính linh hoạt và phù hợp với thực tiễn.
 

Đồng chí Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp.

Bên cạnh đó, trong quá trình thi hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã nhận được phản ánh của một số bộ, ngành, địa phương về khó khăn, vướng mắc và đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định để đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Cụ thể: quy định về trường hợp phải lập đề nghị xây dựng VBQPPL; đánh giá tác động chính sách trong giai đoạn lập đề nghị và soạn thảo VBQPPL; lấy ý kiến, thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPPL; việc lập, công bố VBQPPL hết hiệu lực; theo dõi, đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết; việc xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn; trách nhiệm tổ chức thi hành VBQPPL; thể thức, kỹ thuật trình bày VBQPPL; thẩm quyền, căn cứ kiểm tra, xử lý VBQPPL…
 

Đồng chí Bùi Thu Hằng, Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật tóm tắt các nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định.

Do vậy, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định của 2 Nghị định này, đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành VBQPPL, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính kịp thời trong công tác xây dựng pháp luật; đồng thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện 2 Nghị định nêu trên.
 







Các đại biểu tham gia thảo luận.

Dự thảo Nghị định được xây dựng bám sát các quan điểm: Bảo đảm phù hợp quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và thẩm quyền của Chính phủ trong việc tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành VBQPPL; tiếp tục kế thừa những quy định tốt, đã khẳng định hiệu quả trên thực tế của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP; tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định của 2 Nghị định nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành VBQPPL; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương và đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào 3 nhóm quy định của dự thảo Nghị định bao gồm: Nhóm các quy định được cắt giảm, đơn giản hóa nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản nhưng vẫn phù hợp với quy định của Luật Ban hành VBQPPL và yêu cầu đảm bảo chất lượng văn bản; nhóm các quy định được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo hợp lý hơn và giúp khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo trong 2 Nghị định; nhóm các quy định được bổ sung để đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn công tác xây dựng pháp luật.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin