Chiều 29/11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số báo chí góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp”. Đồng chí Đỗ Xuân Quý, Chánh Văn phòng Bộ; đồng chí Vũ Hoài Nam, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam và đồng chí Phạm Quang Hiếu, Quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đồng chủ trì Hội thảo.
Báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng vào thành công của chuyển đổi số quốc gia
Báo cáo dẫn đề Hội thảo, đồng chí Đỗ Xuân Quý, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp khẳng định trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng; mang sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội.
Đồng chí Đỗ Xuân Quý, Chánh Văn phòng Bộ; đồng chí Vũ Hoài Nam, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam và đồng chí Phạm Quang Hiếu, Quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đồng chủ trì Hội thảo
Nhận thức tầm quan trọng và sự cần thiết của việc chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 453/VP-TT ngày 31/5/2023 về việc triển khai Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó yêu cầu các cơ quan báo chí thuộc Bộ, các đơn vị thuộc Bộ có liên quan phối hợp xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí của bộ, ngành gắn với các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đồng thời chỉ đạo các cơ quan báo chí thuộc Bộ chủ động nghiên cứu, trình cơ quan chủ quản báo chí phê duyệt và chỉ đạo triển khai Kế hoạch chuyển đổi số trong đơn vị.
Đồng chí Đỗ Xuân Quý, Chánh Văn phòng Bộ phát biểu dẫn đề Hội thảo.
Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cho thấy, nhận thức và kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số báo chí còn một số hạn chế. Vì vậy, đồng chí hy vọng Hội thảo là dịp để các các cơ quan quản lý báo chí, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí luận giải, phân tích, làm rõ các chuyển biến trong xu hướng chuyển đổi số báo chí; đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số; từ đó đề ra các giải pháp thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản.
Cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực báo chí, xuất bản phục vụ chuyển đổi số
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đồng chí Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày tham luận về các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số báo chí. Theo đồng chí, để hỗ trợ chuyển đổi số báo chí trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chủ quản báo chí cần tiếp tục tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/4/2019 phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; trong đó quan tâm đến chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí; tăng cường trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí trong chỉ đạo, bố trí kinh phí và tạo điều kiện cho cơ quan báo chí trực thuộc triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí.
Đồng chí Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản báo chí cần quan tâm xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực báo chí, xuất bản phục vụ chuyển đổi số; Nhà nước, các cơ quan báo chí, nhà quảng cáo và nhà công nghệ cần tăng cường phối hợp, hợp tác; các tờ báo cần phải có mô hình kinh doanh quảng cáo hiệu quả; triển khai đánh giá, công bố xếp hạng mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí để làm cơ sở đề xuất chính sách thúc đẩy, hỗ trợ các cơ quan báo chí phù hợp...
Đồng chí Nguyễn Quang Hoà, Giảng viên khoa Quan hệ công chúng, Trường Đại học Văn Lang.
Tiếp đó, đồng chí Trịnh Thị Hương Giang, Phó Giám đốc Trung tâm mạng xã hội, Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin một số kết quả bước đầu thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị. Cụ thể, Báo Pháp luật Việt Nam đã có nhiều ấn phẩm điện tử như: báo Pháp luật Việt Nam điện tử (baophapluat.vn); Pháp luật Plus (phapluatplus.vn), Truyền hình Pháp luật (tvphapluat.vn), Pháp luật Media (phapluatmedia.vn) và Trung tâm Mạng xã hội quản lý các nền tảng Mạng xã hội của Báo và Mạng xã hội Cộng đồng pháp luật (congdongphapluat.vn). Tất cả các ấn phẩm điện tử của Báo đều được ứng dụng hệ thống CMS quản trị hiện đại, giúp các phóng viên, biên tập viên có thể làm tin, bài ở mọi nơi trên cả máy tính và điện thoại. Thông qua hệ thống CMS, các thư ký và lãnh đạo Báo cũng dễ dàng thực hiện công tác quản lý các tin, bài.
Đồng chí Trịnh Thị Hương Giang, Phó Giám đốc Trung tâm mạng xã hội, Báo Pháp luật Việt Nam.
Đồng chí cho biết thêm, để đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí trong thời gian tới, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư vào công nghệ số; đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số; xây dựng hệ thống xuất bản phân tích và tự động đề xuất nội dung theo sở thích của người đọc; xây dựng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo …
Đại diện Báo Nhân dân.
Ngoài ra, Hội thảo còn được nghe các tham luận như: Cơ hội và những khó khăn, thách thức đặt ra trước yêu cầu chuyển đổi số báo chí; Kinh nghiệm chuyển đổi số tại Báo Nhân dân; Hoạt động chuyển đổi số đối với các loại hình báo chí tại Đài Tiếng nói Việt Nam; …
Đồng chí Vũ Hoài Nam, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu kết luận Hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Vũ Hoài Nam, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đánh giá cao các kết quả trong công cuộc chuyển đổi số báo chí. Tuy nhiên, bức tranh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí vẫn còn một số hạn chế về nhận thức chuyển đổi số, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất,… Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu, tham khảo các tham luận, ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại Hội thảo để hoàn thiện Kế hoạch chuyển đổi số báo chí của Bộ Tư pháp; qua đó triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi sổ báo chí nói riêng.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin