Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp họp và cho ý kiến đối với dự thảo 5 Luật Đăng ký bất động sản

02/06/2008
Chiều ngày 29/5/2008, tại Hội trường A, trụ sở Bộ Tư pháp, Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm Chủ tịch hội đồng đã họp và cho ý kiến đối với dự thảo 5 Luật Đăng ký bất động sản.
Tiến sỹ Nguyễn Thuý Hiền, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã giới thiệu một số nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Đăng ký bất động sản và nêu ra một số vấn đề cần xin ý kiến Hội đồng khoa học.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp đã tập trung trao đổi, thảo luận về những nội dung chủ yếu của dự thảo Luật, cụ thể như sau:
- Về phạm vi điều chỉnh: Phần lớn các thành viên của Hội đồng khoa học đều thống nhất với việc dự thảo quy định đăng ký hiện trạng và đăng ký biến động. Tuy nhiên, còn có nhiều ý kiến khác nhau về cơ cấu và bố cục.
- Về giá trị pháp lý của việc đăng ký: Các thành viên Hội đồng khoa học đều nhất trí việc quy định các giao dịch về bất động sản có hiệu lực từ thời điểm các bên thỏa thuận, giao kết hợp đồng, việc đăng ký không nhằm xác lập hiệu lực của giao dịch mà có ý nghĩa công khai hóa quyền để đối kháng với người thứ ba và xác định thứ tự ưu tiên. Mặt khác, để bảo vệ quyền của chủ sở hữu và những người có liên quan, tránh được những rủi ro trong giao dịch thì dự thảo cần quy định đối với bất động sản phải thực hiện đăng ký bắt buộc.
Ngoài ra, thành viên Hội đồng khoa học cũng chỉ ra việc cần thiết phải làm rõ trong Dự thảo về những lợi ích của việc đăng ký, công khai hóa thông tin, tránh những gian lận trong giao dịch... để thúc đẩy người dân tự nguyện thực hiện việc đăng ký, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bất động sản.
- Về cơ quan đăng ký: Đa số các thành viên cho rằng cơ quan đăng ký không nhất thiết phải thiết lập theo địa giới hành chính mà nên theo địa hạt. Mặt khác, phải thiết lập cơ chế liên thông giữa các cơ quan đăng ký, chia sẻ thông tin đăng ký, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu tìm hiểu thông tin về bất động sản. Ngoài ra, các thành viên Hội đồng cũng chỉ ra rằng cần phải xây dựng cơ quan đăng ký độc lập, mang tính chuyên môn cao và cần thiết phải trao quyền cho cơ quan đăng ký.
- Về cơ quan quản lý nhà nước: Hôi đồng khoa học đều tán thành với phương án giao cho Bộ Tài Nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bất động sản trong phạm vi cả nước. Hiện nay hệ thống cơ quan Tài nguyên và Môi trường đã được xây dựng, lưu giữ toàn bộ hệ thống thông tin về bất động sản tại mỗi tỉnh, thành phố nên nếu tiếp tục thực hiện chức năng đăng ký bất động sản theo quy định của Luật này thì sẽ thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, việc đo đạc, đo vẽ, lập bản đồ địa chính là lĩnh vực chuyên môn, mang tính kỹ thuật của các cơ quan tài nguyên môi trường.
- Về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận: Đa số các thành viên đều tán thành với việc quy định giao Văn phòng đăng ký thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận. Quy định này nhằm phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan đăng ký, đồng thời cải cách thủ tục hành chính trong quy trình đăng ký, đơn giản nhanh chóng và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên thẩm quyền cấp giấy của Ủy ban nhân dân như hiện nay.
- Về thời hạn giải quyết yêu cầu đăng ký: Một số ý kiến của thành viên Hội đồng khoa học cho rằng, trong quá trình xây dựng Dự thảo cần phải cân nhắc để quy định hợp lý về thời hạn giải quyết yêu cầu đăng ký. Đối với các trường hợp đăng ký ban đầu trên cơ sở quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất thì thời hạn giải quyết ngắn hơn so với việc giải quyết các trường hợp đăng ký mà người sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận mà chỉ có một trong các loại giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật đất đai.
- Một số quy định mang tính chính sách cần được thể hiện trong dự Luật: Đó là chính sách về thuế liên quan đến vấn đề cấp Giấy chứng nhận, Do đó, Tổ biên tập cần tiếp tục nghiên cứu có quy định hợp lý để nhận được sự đồng tình của người dân. Việc đăng ký phải được xem như dịch vụ công, được thực hiện với chi phí hợp lý, trình tự thủ tục đơn giản, thuận lợi cho người yêu cầu đăng ký.
Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của Hội đồng khoa học và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu và khẩn trương hoàn thiện Dự thảo trong thời gian tới.
 
 
Thu Thuỷ - Cục Đăng ký QGGDBĐ