Nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ

11/09/2023
Nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ
Chiều ngày 07/9/2023, Học viện Tư pháp tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu cải cách Tư pháp và phòng chống tham nhũng ở Việt Nam”. PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng – Phó Giám đốc Học viện Tư pháp là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đang là vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm. Việc thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế có ý nghĩa then chốt, là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thời gian qua tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, thực tế việc thu hồi tiền và tài sản trong các vụ án này còn nhỏ so với tổng số thiệt hại do các đối tượng chiếm đoạt, thất thoát. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau (cả khách quan và chủ quan), trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu như: Tội phạm tham nhũng, kinh tế ngày càng tinh vi, phức tạp, ở diện rộng; tài sản để thực hiện nghĩa vụ thi hành án có giá trị ngày càng lớn, nhiều chủng loại, tính đặc thù cao, tình trạng pháp lý phức tạp, gây khó khăn cho việc xử lý; Các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn mang tính nguyên tắc, thiếu các quy định riêng về thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục về thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế; Việc thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn xác định thẩm quyền, trình tự thủ tục, hợp tác quốc tế trong việc thực hiện ủy thác hoặc lệnh của cơ quan có thẩm quyền về việc kê khai tài sản ở nước ngoài, xác minh, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ nước ngoài và cho phép thu hồi tài sản tham nhũng bắt nguồn từ Việt Nam hiện nằm tại nước khác. 
 

Đề tài nghiên cứu khoa học do bà Trần Thị Phương Hoa – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự làm Chủ nhiệm. 
 
Thực trạng nêu trên và yêu cầu“ phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”; và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng” đã đặt ra cho công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện thể chế như: xây dựng trình tự, thủ tục riêng về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; phối hợp liên ngành trong việc truy nguyên, truy thu tài sản tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án... Đồng thời, các cơ quan cần có giải pháp mới, đồng bộ và quyết liệt hơn để thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Việc thực hiện đề tài “Cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu cải cách Tư pháp và phòng chống tham nhũng ở Việt Nam” sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm những nội dung nêu trên. Đề tài thực hiện nhiệm vụ phân tích khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa của thu hồi tài sản và trình tự, thủ tục thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các yêu cầu của cải cách Tư pháp và phòng chống tham nhũng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế;  Phân tích, đánh giá thực trạng cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản và kết quả thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Từ đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu của cải cách Tư pháp và phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. 
Đề tài nghiên cứu hướng đến mục tiêu thông qua việc phân tích, đánh giá thực trạng, những hạn chế, bất cập về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản hiện hành và những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế cũng như tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu của cải cách Tư pháp và phòng chống tham nhũng. 
Hội đồng nghiệm thu đánh giá, Đề tài đã làm rõ những vấn đề lý luận về thu hồi tài sản; trình tự, thủ tục thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các yêu cầu cải cách Tư pháp và phòng chống tham nhũng hiện nay; các tác giả đã phân tích, đánh giá thực trạng thực trạng cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế ở Việt Nam. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về thủ tục thu hồi tài sản và cách thức thu hồi tài sản, đề tài đã đề xuất các giải pháp có tính khả thi để đảm bảo thu hồi tối đa tài sản và bảo toàn tối đa giá trị tài sản từ giai đoạn điều tra (kê biên, phong tỏa), truy tố, xét xử, thi hành án trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu cải cách Tư pháp và phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.
Đề tài tiếp cận đi sâu nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là dưới góc độ của cơ quan THADS; tiếp tục thể chế hóa các chủ trương đường lối của Đảng về công tác thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Những kết quả nghiên cứu bước đầu về vấn đề này sẽ được Đề tài kế thừa và phát triển để nghiên cứu một cách hệ thống và đề xuất các giải pháp mới, đồng bộ và quyết liệt hơn để thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Đồng thời, Đề tài sẽ là nguồn tư liệu có chất lượng cho việc tham khảo cho các chuyên gia pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định các chính sách đổi mới trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
 
Thanh Hương