Thực hiện thẩm quyền được giao tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), tại trụ sở Bộ Tư pháp, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã tổ chức họp với đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an); Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ); Cục đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp về một số nội dung của Thông tư số 24/2023/TT-BCA ngày 01/7/2023 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới.
Tại cuộc họp, đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã trình bày kết quả kiểm tra bước đầu đối về các quy định tại Thông tư số 24/2023/TT-BCA, trên cơ sở rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan; đồng thời đưa ra các vấn đề cần tập trung xin ý kiến các cơ quan, đơn vị để làm rõ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch và hiệu quả triển khai các quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới. Trong phạm vi trách nhiệm được giao, đại diện các cơ quan, đơn vị đã phát biểu ý kiến, phân tích, làm rõ một số nội dung có liên quan trong văn bản.
Phát biểu tại cuộc họp, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã có ý kiến giải trình, cung cấp cơ sở thực tiễn và pháp lý, đặc biệt là các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và yêu cầu quản lý về đăng ký xe cơ giới là căn cứ để tham mưu, trình Lãnh đạo Bộ Công an ban hành văn bản, đồng thời bày tỏ sự cảm ơn Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan, đơn vị liên quan đã quan tâm, có ý kiến giúp Cục Cảnh sát giao thông xác định những vấn đề cần lưu ý hướng dẫn để bảo đảm tính pháp lý, khả thi, hiệu quả trong quá trình triển khai cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy đánh giá Thông tư số 24/2023/TT-BCA có nhiều nội dung mới, quan trọng, được dư luận quan tâm. Tiếp cận từ góc độ pháp lý bước đầu cho thấy, một số quy định tại văn bản này có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau, do vậy cần được rà soát, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định có liên quan (như Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Đề án 06/CP). Trên cơ sở nội dung cuộc họp, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đề nghị Cục Cảnh sát giao thông có ý kiến giải trình chính thức bằng văn bản để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, bảo đảm kịp thời “phản ứng chính sách”./.