Bộ Tư pháp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã, huyện đạt chuẩn TCPL tại Hòa Bình

19/07/2023
Bộ Tư pháp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã, huyện đạt chuẩn TCPL tại Hòa Bình
Thực hiện nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, chiều ngày 18/7/2023, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho hơn 160 đại biểu là đội ngũ công chức cơ quan Tư pháp các cấp được giao tham mưu, triển khai nhiệm vụ này trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Tư pháp – Hộ tịch cấp xã). Về phía Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình có đồng chí Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở và đại diện Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Hòa Bình cùng tham dự. Hội nghị do Tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì và là báo cáo viên của Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã lắng nghe đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP.
Tại Hội nghị, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa đã tập trung giải đáp, hướng dẫn thực hiện những nội dung mà địa phương chưa rõ, còn lúng túng, chưa được tiếp cận đầy đủ, sâu sắc và thống nhất sau gần 02 năm triển khai thực hiện các văn bản của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp. Các đại biểu tham dự Hội nghị chia sẻ, trao đổi tích cực về kinh nghiệm, tình hình thực tiễn trong tổ chức đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thông qua đó đã được hướng dẫn cụ thể, nhất là việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu gắn với chuyên môn nghiệp vụ của công chức cơ quan Tư pháp cấp cơ sở như việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân; tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, dân chủ ở cơ sở... đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật hiện hành, giúp các đại biểu nhận thức đúng, sâu sắc hơn về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện nhiệm vụ, cũng như cách thức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật...
 
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Nguyên Thảo, Chuyên viên Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã trao đổi, chia sẻ chuyên đề về hướng dẫn đánh giá các tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, xã nâng cao gắn với đánh giá trong nông thôn mới. Trong đó, tập trung hướng dẫn nhiệm vụ của cơ quan Tư pháp trong quá trình đánh giá, công nhận huyện, xã nâng cao đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt nông thôn mới.
Nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, công tác này trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Tại hội nghị, một số đại biểu Phòng tư pháp huyện Cao Phong, huyện Kim Bôi đã chia sẻ về một số khó khăn như vấn đề về thủ tục hành chính phát sinh, ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý, khó khăn về công tác nhân lực trong khi khối lượng công việc cấp xã đảm nhiệm tương đối lớn…
Kết luận tại buổi tập huấn, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa chia sẻ với những khó khăn chung trong công tác đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa đề nghị trong thời gian tới Sở Tư pháp tiếp tục quan tâm, tham mưu lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh; các Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã tham mưu lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã cần quyết liệt, sát sao hơn nữa đến công tác chỉ đạo, hướng dẫn; tập huấn, bỗi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, đánh giá định kỳ, quan tâm bố trí nguồn lực, kinh phí triển khai nhiệm vụ được giao; tổ chức đánh giá, chấm điểm, thẩm định, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo thực chất, nghiêm túc, có  tài liệu, công cụ kiểm chứng cụ thể, có sản phẩm thực tế; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ công chức cấp cơ sở.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực, nhất là phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ; nhiều ý kiến của đại biểu đưa ra đã được giải đáp cụ thể, rõ ràng. Hội nghị tập huấn cũng là diễn đàn để đội ngũ cán bộ, công chức của địa phương chia sẻ, học tập kinh nghiệm để triển khai tốt hơn nhiệm vụ được giao./.
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật