Tổ chức bồi dưỡng về các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định

17/07/2023
Tổ chức bồi dưỡng về các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định
Trên cơ sở Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, ngày 06/01/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-BTP phê duyệt Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2023 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở đó, ngày 14/7/2023, tại tỉnh Bình Định, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành phối hợp với Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) tổ chức bồi dưỡng về các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định với chủ đề “Các vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức lại sản xuất, kinh doanh và cơ chế giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi và phát triển”. Đây là một trong chuỗi gần 100 chương trình bồi dưỡng, tọa đàm, tập huấn, đối thoại mà Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức để triển khai thực hiện cho các doanh nghiệp trên cả nước trong năm 2023.
Tại chương trình, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp, cụ thể NCS, Luật sư Nguyễn Ngọc Lan thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cùng các Thành viên Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành đã trao đổi về các nội dung quan trọng, các tình huống pháp lý về thành lập và vận hành doanh nghiệp, một số vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức lại sản xuất, kinh doanh và cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đại diện Hiệp hội doanh nhân doanh nghiệp tỉnh Bình Định cho biết với gần 6.000 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động thì nhiều doanh nghiệp tỉnh gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý cần được hỗ trợ, nhất là các doanh nghiệp tập trung phần lớn ở khu vực thành thị của tỉnh, trong đó nhiều nhất tại TP. Quy Nhơn chiếm hơn 60,4%; kế tiếp là Thị xã An Nhơn chiếm 9,9%; Thị xã Hoài Nhơn chiếm 6,8%; huyện Tuy Phước chiếm 7,0%.... các ý kiến trao đổi tại Chương trình về các vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức lại sản xuất, kinh doanh và cơ chế giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi và phát triển là rất thiết thực cho doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Cao Đăng Vinh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành đánh giá cao kết quả chương trình bồi dưỡng các vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức lại sản xuất, kinh doanh và cơ chế giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi và phát triển tại tỉnh Bình Định, qua đó tổng hợp được nhiều ý kiến trao đổi tại chương trình để góp phần cho việc xây dựng, góp ý, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.