Cục KTVBQPPL: Tổ chức Hội thảo trao đổi, thảo luận về kỹ thuật hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật

28/06/2023
Cục KTVBQPPL: Tổ chức Hội thảo trao đổi, thảo luận về kỹ thuật hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật
Chiều 28/6, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo trao đổi, thảo luận về kỹ thuật hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật. Đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì Hội thảo.
Công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật được triển khai một cách bài bản, khoa học
Báo cáo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Thắng cho biết, ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/3/2012, các bộ, ngành đã kịp thời bố trí các nguồn lực về biên chế, kinh phí phù hợp; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ để trang bị kiến thức đầy đủ cho công chức làm công tác hợp nhất văn bản; sớm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hợp nhất các văn bản sửa đổi, bổ sung được ban hành trước năm 2012; xây dựng kế hoạch hàng năm để kịp thời hợp nhất các văn bản sửa đổi, bổ sung ngay sau khi được ban hành; nhờ đó, công tác hợp nhất văn bản đã được triển khai một cách bài bản, khoa học, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
 

Đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp báo cáo tình hình triển khai thực hiện công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật tại các bộ, ngành trong thời gian qua.
 
Đối với các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung được ban hành trước năm 2012, công tác hợp nhất cơ bản đã được thực hiện kịp thời, đúng quy định; cụ thể, tổng số dự thảo văn bản hợp nhất cần soạn thảo là 516 văn bản, tổng số văn bản hợp nhất đã hoàn thành là 324 văn bản, tổng số văn bản không tiến hành hợp nhất là 192 văn bản. Về 192 văn bản không tiến hành hợp nhất, đồng chí cho biết những văn bản này đã có hoặc sắp có văn bản mới thay thế; việc hợp nhất thuộc trường hợp khó thực hiện như văn bản bị sửa đổi, bổ sung nhiều lần, hình thức văn bản không thống nhất, khó áp dụng kỹ thuật hợp nhất; vì vậy, nếu vẫn tiến hành hợp nhất đối với các trường hợp này sẽ không bảo đảm được mục đích, ý nghĩa của hoạt động hợp nhất.
Đối với các văn bản sửa đổi, bổ sung ban hành từ năm 2012 đến nay, các bộ, ngành đã quan tâm, tổ chức thực hiện công tác hợp nhất bảo đảm kỹ thuật và thời hạn theo quy định; cụ thể, trong năm 2022, tổng số dự thảo văn bản hợp nhất cần soạn thảo là 243 văn bản, đã hoàn thành hợp nhất 196 văn bản, chưa hoàn thành hợp nhất 42 văn bản, có 05 văn bản không tiến hành hợp nhất. Đồng thời, hằng năm, nhiều bộ, ngành chủ động đưa vào Chương trình, Kế hoạch công tác các nội dung hoạt động liên quan đến công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng chí cho biết thêm, với vai trò quản lý nhà nước về công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã thường xuyên theo dõi và gửi công văn đôn đốc việc thực hiện hợp nhất tại các bộ, ngành. Ngoài ra, Bộ cũng tiếp nhận và hướng dẫn các cơ quan về nội dung và kỹ thuật hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi thẩm quyền được giao với nhiều hình thức đa dạng như công văn, điện thoại, email...; định kỳ hàng tháng cập nhật, đăng tải thông tin về tình hình thực hiện hợp nhất văn bản của các bộ, ngành trên Trang thông tin điện tử của Cục Kiểm tra văn bản; góp phần tạo thuận lợi, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật tại các cơ quan.

Đề xuất sửa đổi các quy định về quy trình, kỹ thuật hợp nhất văn bản cho phù hợp
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, đồng chí Nguyễn Duy Thắng cũng thẳng thắn nhận định, công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chất lượng một số văn bản hợp nhất chưa bảo đảm; việc thực hiện hợp nhất văn bản chưa bảo đảm đúng thời hạn theo quy định; một số văn bản hợp nhất chưa được đăng tải đầy đủ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; kinh phí cho công tác hợp nhất văn bản ở các bộ, ngành chưa được bố trí đầy đủ.
Để nâng cao hiệu quả công tác hợp nhất trong thời gian tới, đồng chí đề nghị Thủ trưởng các bộ, ngành cần tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan mình theo đúng quy định của Pháp lệnh Hợp nhất; nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác hợp nhất. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần quan tâm hơn nữa trong việc đăng tải kịp thời văn bản hợp nhất trên Công báo và Trang thông tin điện tử theo quy định tại Điều 8 Pháp lệnh và đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định tại Nghị định số 52/2015/NĐ-CP về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, bảo đảm chính xác, đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tra cứu, tìm kiếm; nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao giá trị pháp lý của văn bản hợp nhất; sửa đổi, bổ sung các quy định về kỹ thuật hợp nhất để phù hợp với trình độ phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn hiện nay.
 

Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính trình bày tham luận tại Hội thảo.
 
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính đã trình bày thực tiễn triển khai công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật tại Bộ Tài chính. Đồng chí cho biết, từ năm 2016 đến năm 2022, Bộ Tài chính đã hoàn thành 250 văn bản hợp nhất từ 665 văn bản quy phạm pháp luật gốc; các văn bản hợp nhất đều được gửi đăng Công báo, Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Cổng thông tin điện tử của Bộ theo đúng quy định. Về cơ bản, các văn bản hợp nhất do Bộ Tài chính chủ trì thực hiện đã được thực hiện khá đầy đủ và kịp thời, đáp ứng nhu cầu tra cứu, sử dụng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực có phạm vi điều chỉnh rộng rãi như thuế, phí, lệ phí, hải quan, kinh doanh bảo hiểm,...
Đồng thời, từ thực tiễn thực hiện hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật tại Bộ Tài chính, để hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác hợp nhất văn bản trong thời gian tới, đồng chí đề xuất Bộ Tư pháp nghiên cứu cách thức thể hiện số, ký hiệu của văn bản hợp nhất theo hướng phù hợp nhất; nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định theo hướng kéo dài thời hạn thực hiện hợp nhất; bổ sung hướng dẫn chi tiết kỹ thuật hợp nhất cho các bộ, ngành, bảo đảm tính linh hoạt khi thực hiện hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.
 

NCS. Lê Thị Hồng Hạnh, Khoa Luật Hành chính Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe NCS. Lê Thị Hồng Hạnh, Khoa Luật Hành chính Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận: Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn và đồng chí Phùng Thị Hương, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trình bày tham luận: Một số kết quả đạt được từ Đề tài khoa học cấp bộ “Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn.”
 
 Đồng chí Phùng Thị Hương, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trình bày tham luận tại Hội thảo.
 
          Anh Thư - Trung tâm Thông tin