Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 07/QĐ-BTP ngày 04 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2023 của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, chiều ngày 19/5/2023, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tổ chức cuộc họp với đại diện các cơ quan, đơn vị, tổ chức và chuyên gia để lấy ý kiến về một số cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn trong triển khai nội dung “Nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.
Cuộc họp do Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Hải chủ trì và có sự tham dự của đại diện đến từ các Bộ, ngành (Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...); Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ (Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Bổ trợ tư pháp, Viện Khoa học pháp lý...); Ngân hàng quân đội, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và một số chuyên gia đến từ Đại học Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Toàn cảnh phiên họp
Tại cuộc họp, đại diện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã trình bày khái quát kết quả nghiên cứu bước đầu trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập đề nghị xây dựng Luật Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; trong đó, tập trung nhấn mạnh về cơ sở chính trị, pháp lý, sự cần thiết của việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về đăng ký biện pháp bảo đảm để đáp ứng các yêu cầu như: yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; yêu cầu đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhất là đảm bảo sự ổn định, tính hiệu lực thực thi của các quy định liên quan; yêu cầu giải quyết được các vấn đề phát sinh trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đồng chí đề xuất các định hướng hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này với các nội dung nhận định về ưu điểm, hạn chế của từng phương án cũng như mục tiêu, quan điểm trong định hướng hoàn thiện.
Các đại biểu tham dự cuộc họp đều có ý kiến nhất trí về cách tiếp cận của cơ quan chủ trì trong nghiên cứu khả năng xây dựng Luật về các biện pháp bảo đảm và thống nhất cần sớm đề xuất xây dựng luật vì đã có đủ cơ sở chính trị, pháp lý, sự cần thiết trong việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về đăng ký biện pháp bảo đảm; về yêu cầu có cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất trong đáp ứng sự phát triển của các chuỗi cung ứng vốn, của kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; yêu cầu về minh bạch hóa tài sản, giao dịch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục được những bất cập, hạn chế từ thực tiễn giao dịch, hệ thống đăng ký, quản lý nhà nước liên quan và yêu cầu về sự đồng bộ, thống nhất trong áp dụng, thi hành pháp luật.
Các đại biểu tham gia thảo luận
Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, cung cấp thêm các thông tin để cơ quan chủ trì xác định và lựa chọn các chính sách phù hợp trong nghiên cứu khả năng về xây dựng luật; trong đó có tình hình, tiến độ hoàn thiện pháp luật liên quan (dự báo về sự phát triển của các chuỗi cung ứng vốn có bảo đảm gắn liền với các chuỗi cung ứng hàng hóa, về đất đai, công chứng, tố tụng, thi hành án dân sự, yêu cầu đối với tổ chức, hoạt động của các cơ quan đăng ký, việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ đăng ký…); về thực tiễn xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm, cơ chế bảo vệ hợp đồng, bảo vệ biện pháp bảo đảm đã được xác lập đúng pháp luật; cách tiếp cận, kinh nghiệm hoàn thiện và xu hướng phát triển của pháp luật trong lĩnh vực này theo thông lệ quốc tế. Các đại biểu cũng cho rằng, đây là một luật có tính phức tạp về nội dung nên trong quá trình xây dựng cần có sự rà soát, nghiên cứu để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật liên quan, nhất là trong đảm bảo vị trí, vai trò của luật này trong điều chỉnh về lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.
Kết thúc cuộc họp, thay mặt Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, ông Nguyễn Hồng Hải cảm ơn sự tham gia của các đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các chuyên gia; ghi nhận, tiếp thu những ý kiến phát biểu quan trọng, nhiều giá trị của các đại biểu tại cuộc họp. Đồng thời, đồng chí nhấn mạnh quan điểm tiếp cận xuyên suốt của Cục trong việc đề xuất xây dựng Luật Các biện pháp bảo đảm. Cụ thể là Luật Các biện pháp bảo đảm không nhằm thay thế Bộ luật Dân sự trong điều chỉnh về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, không làm xáo trộn hệ thống đăng ký hiện hành mà góp phần đảm bảo tính khả thi hơn về các nguyên tắc cơ bản, các quy định chung trong Bộ luật Dân sự; đồng thời góp phần có cơ chế pháp lý để cụ thể hóa các nguyên tắc đã được Bộ luật này quy định, bổ sung cơ chế pháp lý mới trong điều chỉnh về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ để giải quyết những vấn đề pháp lý mới phát sinh chưa được quy định trong Bộ luật Dân sự; hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất về đăng ký biện pháp bảo đảm, tổ chức, hoạt động của các cơ quan đăng ký, nhân viên đăng ký; việc nghiên cứu khả năng xây dựng luật cũng là hoạt động pháp điển hóa để đảm bảo hơn tính hiệu lực thực thi, tính ổn định của các quy định phù hợp trong các văn bản dưới luật; đảm bảo về cơ sở pháp lý để củng cố, hoàn thiện các thiết chế liên quan đến đăng ký biện pháp bảo đảm, nhất là đảm bảo sự ổn định của hệ thống các cơ quan đăng ký, của nguồn nhân lực thực hiện công tác đăng ký. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cũng nhận thức đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Lãnh đạo Bộ giao. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả của nhiệm vụ này, Cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, tổ chức liên quan, các đơn vị thuộc Bộ và chuyên gia trong nghiên cứu, đề xuất, xây dựng kế hoạch, nội dung liên quan để kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong thời gian tới.