Sáng ngày 19/4/2023, Học viện Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Triển khai thực hiện Chương trình đào tạo Luật sư theo hệ thống tín chỉ. Hội nghị được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Dự Hội nghị có các đại biểu: LS.TS. Đào Ngọc Chuyền – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; LS. Nguyễn Văn Hà – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; LS. Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; LS. Nguyễn Quang Y - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai; LS. Lê Văn Tám và LS. Vũ Anh Thao – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; LS. Nguyễn Ngọc Lâm - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ngãi; đại diện Đoàn Luật sư các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, các giảng viên thỉnh giảng là các luật sư, chuyên gia tham gia giảng dạy các lớp đào tạo nghề luật sư tại Hà Nội và Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Về phía Học viện Tư pháp có thầy Nguyễn Trường Thiệp – Phó Giám đốc Học viện, cô Vũ Thị Hòa – Trưởng Khoa Đào tạo Luật sư; cô Tống Thị Thanh Thanh - Trưởng Khoa Đào tạo Luật sư cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị và các giảng viên, chuyên viên của Học viện.
Trong gần 20 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề luật sư, cung cấp nguồn nhân lực để phát triển đội ngũ luật sư tại Việt Nam, chương trình đào tạo nghề luật sư của Học viện Tư pháp không ngừng được cải thiện, đổi mới và phát triển để đáp ứng nhu cầu xã hội, yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Từ xuất phát điểm chương trình đào tạo nghề luật sư 6 tháng đến chương trình đào tạo luật sư 12 theo hình thức tín chỉ, đến nay chương trình đào tạo nghề luật sư đã phát triển mở rộng tạo điều kiện để người học có nhiều cơ hội lựa chọn khi tham gia các khóa đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp. Trong số các chương trình đào tạo nghề luật sư hiện có, Chương trình khung ban hành theo Quyết định số 788/QĐ-BTP ngày 02/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thực hiện từ năm 2018 được xác định là trụ cột chính để phát triển, hoàn thiện các chương trình đào tạo nghề luật sư khác. Trong giai đoạn 2022-202, việc tiếp tục hoàn thiện và phát triển hiện đại các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thuộc chức năng của Học viện, trong đó có Chương trình đào tạo nghề luật sư theo hình thức tín chỉ năm 2022 được xác định là một trong số nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần hiện thực hóa Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp”, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.
Trên cơ sở Chương trình khung đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ được ban hành kèm theo Quyết định số 2105/QĐ-BTP ngày 26/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ngày 27/01/2023 Giám đốc Học viện Tư pháp đã ký Quyết định số 79/QĐ-HVTP ban hành Chương trình chi tiết đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ với mục tiêu nhằm cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng; có phẩm chất đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; có kiến thức, kỹ năng hành nghề cơ bản trong lĩnh vực tranh tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, tham gia giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án và cung cấp dịch vụ pháp lý khác; tạo nền tảng căn bản cho sự phát triển tư duy sáng tạo, năng lực tự học của người học góp phần phát triển đội ngũ luật sư đáp ứng được yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cải cách tư pháp, cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
Học viện Tư pháp bắt đầu triển khai Chương trình này vào cuối tháng 4 tới đây tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Với mong muốn việc tổ chức dạy và học Chương trình chi tiết đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ có hiệu quả, chất lượng, Học viện Tư pháp tổ chức Hội nghị này nhằm báo cáo về những thay đổi căn bản, trọng tâm của chương trình chi tiết đào tạo nghề luật sư mới, đồng thời trao đổi, tiếp thu các ý kiến của các luật sư, các chuyên gia, các nhà khoa học, các giảng viên về nội dung và phương thức tổ chức chương trình…
Tại Hội nghị các đại biểu lắng nghe 01 tham luận tổng quan và 05 tham luận chuyên môn. Các tham luận tập trung những vấn đề trọng tâm, những nội dung mới nhất cần lưu ý khi triển khai các môn học của Chương trình Đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ năm 2023. Các đại biểu cũng trao đổi về nội dung, phương thức đào tạo, trao đổi kiến thức chuyên môn để thống nhất cách hiểu, cách thực hiện khi triển khai chương trình mới.
Thay mặt Khoa đào tạo Luật sư, Trưởng khoa Vũ Thị Hòa tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị và đề nghị các trưởng Bộ môn, các giảng viên và trợ lý bộ môn nắm bắt các vấn đề được nêu ra tại Hội nghị để tiếp tục hoàn thiện chương trình môn học nhằm đưa từng bài học từ lý thuyết đến thực hành, thực tập trong chương trình đào tạo luật sư có chất lượng ngày càng được hoàn thiện và nâng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Chương trình đào tạo nghề luật sư gồm:
(1) Chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư (Chương trình khung ban hành kèm theo Quyết định 2543 /QĐ-BTP ngày 08 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Chương trình chi tiết ban hành kèm theo Quyết định 1401/QĐ-HVTP ngày 23 tháng 12 năm 2016 của Giám đốc Học viện Tư pháp; Chương trình chi tiết ban hành kèm theo Quyết định số 395/QĐ-HVTP ngày 07 tháng 04 năm 2022 của Giám đốc Học viện Tư pháp );
(2) Chương trình đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ (Chương trình khung ban hành kèm theo Quyết định 788/QĐ-BTP ngày 02 tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thực hiện từ năm 2018);
(3) Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế (Chương trình khung ban hành kèm theo Quyết định số 1711/QĐ-BTP ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Chương trình chi tiết ban hành kèm theo Quyết định số 172/QĐ-HVTP, ngày 10 tháng 2 năm 2022 của Giám đốc Học viện Tư pháp).
(4) Chương trình đào tạo nghề luật sư chất lượng cao (Chương trình chi tiết ban hành kèm theo Quyết định số 1962/QĐ-HVTP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Giám đốc Học viện Tư pháp). Khoá học đầu tiên khai giảng vào ngày 2 tháng 11 năm 2019.
|
Thanh Hương