Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm phối hợp với Hiệp hội ngân hàng tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tổ chức tín dụng về dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm

16/05/2008
Sáng ngày 15/5/2008, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng tổ chức lấy ý kiến đối với Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm (dự thảo 5).
Bà Dương Thu Hương - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định đây là dự thảo Luật quan trọng liên quan nhiều đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính... Việc tổ chức lấy ý kiến nhằm đóng góp trực tiếp về những nội dung trong dự thảo 5, đồng thời phản ánh một số khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng trong hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm để xây dựng Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm thực sự phù hợp và có giá trị thực tiễn cao.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Bà Nguyễn Thuý Hiền- Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã giới thiệu một số nội dung chính của dự thảo 5 và những vấn đề xin ý kiến. Trên cơ sở đó, đại diện các Ngân hàng, các Công ty tài chính đang hoạt động tại Hà Nội đã trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến về các vấn đề sau đây:
Về phạm vi điều chỉnh: Bên cạnh ý kiến tán thành với phương án xây dựng Luật đăng ký giao dịch bảo đảm là đạo luật chung về đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tất cả các loại tài sản, thể hiện những nguyên tắc chung nhất về đăng ký giao dịch bảo đảm và quy định cụ thể về đăng ký động sản, vẫn có một số ý kiến đề nghị quy định tập chung, chi tiết về hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tất cả các loại tài sản trong Luật này (Công ty tài chính bưu điện, Ngân hàng Liên doanh Việt Nga).
Về thời điểm đăng ký: Tại buổi toạ đàm, đa số các ý kiến đề nghị phương án thời điểm đăng ký là thời điểm cơ quan đăng ký nhận được hồ sơ yêu cầu đăng ký hợp lệ. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị rút ngắn thời hạn giải quyết từ khi nhận đơn đến khi ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký hoặc cơ sở dữ liệu nếu cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án xác định thời điểm đăng ký là thời điểm nhập nội dung đăng ký vào sổ hoặc vào cơ sở dữ liệu.
Về đối tượng đăng ký: Các ý kiến đều nhất trí mở rộng phạm vi đối tượng đăng ký giao dịch bảo đảmtán thành với dự thảo 5. Đồng thời, có một số ý kiến đề nghị sáp nhập khoản 2 và khoản 3 Điều 4 của Dự thảo 5 (đại diện Ngân hàng Đông Nam Á, Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội).
Liên quan đến nội dung này, đại diện Ngân hàng Kiên Long đề nghị trong dự thảo Luật cần quy định đối với tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển, Ngân hàng Hàng hải đề nghị quy định cụ thể về thế chấp quyền sở hữu nhà ở hình thành trong tương lai .
Về trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm: Qua trao đổi, thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật một mục quy định về thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng bất động sản nhằm tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho hoạt động đăng ký.
Quy định về đăng ký trực tuyến: Đại diện Công ty tài chính bưu điện có ý kiến đề nghị quy định bắt buộc áp dụng phương thức đăng ký trực tuyến trong dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm
Ngoài ra, quy định về cung cấp thông tin cũng nhận được nhiều đóng góp ý kiến từ phía các Ngân hàng. Trên cơ sở phản ánh những khó khăn của các tổ chức tín dụng trong việc tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm, nhất là tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các ý kiến đề nghị quy định rõ trong Luật này quyền tìm hiểu thông tin và nghĩa vụ cung cấp thông tin của các cơ quan đăng ký. Đồng thời, trong Luật cần quy định cụ thể về cơ chế lưu giữ tập trung thông tin về giao dịch bảo đảm và có các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập trung dữ liệu.
Xuất phát từ hoạt động thực tiễn, những khó khăn vướng mắc trong công tác đăng ký giao dịch bảo đảm, các ngân hàng, các công ty tài chính cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc mô tả tài sản khi thực hiện đăng ký, việc cấp bản sao đăng ký, việc nên hay không nên quy định công chứng viên tham gia đăng ký...Bên cạnh đó, còn có các ý kiến đề nghị bổ sung quy định đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tài sản trong tương lai, quy định rõ hơn trách nhiệm của cán bộ đăng ký trong những trường hợp cán bộ đăng ký cố ý làm sai gây thiệt hại và cơ chế thực hiện bồi thường...
Trên cơ sở những ý kiến phát biểu của các tổ chức tín dụng, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm trước khi trình đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Trưởng ban soạn thảo xem xét, chính thức ký trình Chính phủ trong thời gian tới.
 
Thu Thuỷ - Cục Đăng ký QGGDBĐ