Sáng 5/1/2023, Bộ Tư pháp phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tham vấn hoàn thiện thể chế nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và giáo dục pháp luật cho người chưa thành niên” bằng hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến.
Hội thảo có sự tham gia của đại biểu làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ trẻ em, gia đình của các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; đại diện một số Sở Tư pháp; các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện một số cơ quan báo chí.
Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) và bà Nguyễn Thanh Trúc, Chuyên gia bảo vệ trẻ em UNICEF đồng chủ trì Hội thảo.
Công tác phổ biến pháp luật cho người chưa thành niên luôn được chú trọng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nêu rõ, trong những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp cận pháp luật, PBGDPL nói chung, PBGDPL cho người chưa thành niên nói riêng nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật gắn với giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh cho thanh, thiếu niên đã được quan tâm ban hành. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra giải pháp: “Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ”. Mục 3 Chương 2 của Luật PBGDPL cũng quy định rõ về giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Ông Phan Hồng Nguyên đánh giá công tác PBGDPL cho người chưa thành niên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Phan Hồng Nguyên bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ cùng trao đổi, thảo luận đánh giá về thực trạng công tác PBGDPL cho người chưa thành niên (những kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế), đồng thời trao đổi, thảo luận những bất cập của thể chế, chính sách về PBGDPL cho người chưa thành niên (nếu có) gắn với tổng kết Luật PBGDPL để đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện pháp luật về PBGDPL, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người chưa thành niên và nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện thể chế về công tác này trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, bà Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý công tác PBGDPL trình bày các quy định của Đảng, pháp luật hiện hành về tiếp cận pháp luật và PBGDPL cho người chưa thành niên và yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm tăng cường hiệu quả công tác tiếp cận pháp luật và PBGDPL cho người chưa thành niên.
Theo bà Tô Thị Thu Hà thời gian qua, việc tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, PBGDPL cho người chưa thành niên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nội dung PBGDPL thiết thực hơn, hình thức PBGDPL đa dạng, phong phú, bên cạnh hình thức giáo dục pháp luật chính khóa trong nhà trường (môn đạo đức ở bậc tiểu học, môn giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở và môn giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp trung học phổ thông) còn có nhiều hình thức, mô hình PBGDPL ngoài giờ lên lớp, đồng thời nhiều hình thức PBGDPL cho người chưa thành niên được các cấp, các ngành thực hiện. Tuy nhiên, công tác PBGDPL cho chưa thành niên còn chưa đồng đều, toàn diện, chủ yếu mới tập trung vào người chưa thành niên là học sinh, ở đô thị.
Trong thời gian tới, bà Tô Thị Thu Hà yêu cầu nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và giáo dục pháp luật cho người dân nói chung, người chưa thành niên nói riêng cần được xem xét một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, toàn diện theo hướng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, quy định cụ thể nội dung, hình thức, phương thức thực hiện PBGDPL.
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp liên ngành; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào đối tượng người chưa thành niên đặc thù (khuyết tật, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi, nạn nhân bạo lực gia đình...) để nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người chưa thành niên, qua đó, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Phát huy trách nhiệm toàn xã hội
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thanh Trúc, Chuyên gia bảo vệ trẻ em UNICEF đánh giá: “Một đạo luật có tốt đến đâu nhưng nếu người dân không biết và không hiểu được các quy định của luật thì cũng chỉ có hiệu lực hạn chế.”
Theo bà Nguyễn Thanh Trúc, hiện nay, nhận thức về tuổi trẻ em và một số quyền hết sức cơ bản của trẻ em, như quyền được khai sinh, được ưu tiên khám chữa bệnh, học tiểu học không mất tiền…còn hạn chế.
Chia sẻ những biện pháp tiềm năng để nâng cao nhận thức pháp luật cho trẻ em trong thời gian tới, bà Nguyễn Thanh Trúc nhấn mạnh, muốn thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin của trẻ em thì không thể không nói đến trách nhiệm của chủ thể nghĩa vụ, đó là nhà nước, cha mẹ, thầy cô giáo…, cùng với đó, việc phổ biến và nâng cao nhận thức về quyền của trẻ em sẽ hiệu quả nhất khi đó là một quá trình tương tác, đối thoại thay vì thuyết giảng. Trẻ em không thể thực hiện quyền tham gia nếu các em không biết mình có quyền hoặc không biết cách thực hiện quyền của mình. Thông tin về các quyền của trẻ em có thể được lồng ghép trong chương trình giảng dạy tại nhà trường hoặc được phổ biến qua các câu lạc bộ về quyền trẻ em trong trường học. Trong đó, cần chú trọng đào tạo thanh thiếu niên trở thành những lãnh đạo học sinh trong các trường học.
Đồng thời, xác định nhu cầu về nhận thức pháp luật của trẻ em và cha mẹ nhằm nỗ lực hiệu quả hơn và đảm bảo sự tham gia mạnh mẽ hơn của trẻ em và cha mẹ (thông qua các khảo sát, các tổ chức xã hội, các trung tâm trợ giúp pháp lý...). Ưu tiên xây dựng chương trình nâng cao nhận thức pháp luật dựa trên nhu cầu thực tế của trẻ em trai và trẻ em gái. Các thông tin về quyền trẻ em cũng cần được dịch sang ngôn ngữ của những nhóm dân số thiệt thòi và bị loại trừ, như những nhóm dân tộc thiểu số và các dân tộc bản địa. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành để nâng cao công tác PBGDPL cho người chưa thành niên.
Theo đại diện Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong giai đoạn từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 31/3/2021, các cơ quan chức năng đã phát hiện 23.461 vụ việc, 35.950 người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật. Trong đó, các cơ quan chức năng đã xử lý hình sự 9.244 vụ, 12.371 người chưa thành niên; xử lý vi phạm hành chính 12.167 vụ, 19.362 người chưa thành niên. Bên cạnh việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật, tính đến tháng 9 năm 2020, có 13.562 người chưa thành niên sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý.
Để phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong thời gian tới Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp đề xuất một số giải pháp như:Lực lượng Công an cần tăng cường phối hợp các các bộ, ngành có liên quan triển khai giải pháp hiệu quả, thực chất, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp tình hình thực tiễn; ứng dụng công nghệ thông tin đăng tải các chuyên trang chuyên mục, câu chuyện pháp luật cảnh báo thủ đoạn tội phạm xâm hại trẻ em, trang bị tủ sách pháp luật cho cấp xã để xây dựng đội ngũ báo cáo viên cơ sở trực tiếp làm công tác tuyên truyền tại cộng đồng,
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường công tác phối hợp, tổ chức điều hành thực hiện các chủ trương, chính sách trong phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người chưa thành niên; lấy công tác phòng ngừa là căn bản để kiềm chế, giảm bền vững, giảm sâu các vụ việc xâm hại trẻ em, tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người chưa thành niên…
Còn theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cấp, bên cạnh tiếp tục nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật chính khóa, các cấp, các ngành cần chú trọng nhân rộng các hình thức, mô hình PBGDPL có hiệu quả đối với người chưa thành niên qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL; rà soát, xem xét đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật về PBGDPL. Ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc đề xuất khi PBGDPL cho người chưa thành niên là người dân tộc thiểu số cần nghiên cứu kỹ văn hóa, phong tục, tập quán, từng loại hình dân tộc để lựa chọn hình thức PBGDPL; phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác này.
Đề xuất tăng cường công tác truyền thông chính sách pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng được bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng có hiệu quả từ kinh nghiệm thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em. Đại diện các địa phương phát biểu tại Hội thảo ông Phạm Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp đều chung quan điểm cần tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành trong PBGDPL cho người chưa thành niên.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam