Tổng kết, đánh giá kết quả công tác phối hợp liên ngành trong lĩnh vực nuôi con nuôi năm 2022 và đề ra phương hướng triển khai công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong năm 2023

15/12/2022
Tổng kết, đánh giá kết quả công tác phối hợp liên ngành trong lĩnh vực nuôi con nuôi năm 2022 và đề ra phương hướng triển khai công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong năm 2023
Ngày 13 tháng 12 năm 2022, Bộ Tư pháp (Cục Con nuôi) đã tổ chức cuộc họp nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác phối hợp liên ngành về lĩnh vực nuôi con nuôi năm 2022 và đề ra phương hướng triển khai công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong thời gian tới. Ông Đặng Trần Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Con nuôi chủ trì cuộc họp với sự tham gia của đại diện các Bộ liên quan gồm: Đại diện Cục Trẻ em, Cục Bảo trợ xã hội-Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện Cục Pháp chế, cải cách hành chính tư pháp-Bộ Công an và đại diện một số các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Tại cuộc họp, ông Đặng Trần Anh Tuấn đã khái quát tình hình công tác phối hợp liên ngành trong lĩnh vực nuôi con nuôi năm 2022, theo đó trên có sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ tại Công văn số 1153/VPCP-PL ngày 23 tháng 02 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo tổng kết thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay về Bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, ngay từ đầu năm 2022 Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức họp liên ngành nhằm trao đổi, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thẩm quyền ở trung ương làm cơ sở chỉ đạo, đôn đốc địa phương hướng dẫn cơ sở nuôi dưỡng thực hiện nghiêm trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Trong năm 2022, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban tôn giáo Chính phủ tổ chức các đoàn công tác liên ngành để khảo sát tình hình nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em và thực hiện trách nhiệm chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em tại các cơ sở nuôi dưỡng ở 4 tỉnh/thành phố Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Cần Thơ; các đoàn công tác liên ngành đã tiến hành hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết nuôi con nuôi ở địa phương; thực hiện các hoạt động truyền thông trên Chương trình truyền hình vì trẻ em; chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang sống ở các cơ sở nuôi dưỡng, tránh tình trạng trẻ em phải sống tập trung lâu dài trong các cơ sở nuôi dưỡng.
Cùng với việc đánh giá những kết quả đã được trong công tác phối hợp liên ngành về giải quyết nuôi con nuôi của năm 2022, ông Đặng Trần Anh Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân trong công tác phối hợp liên ngành để các đại biểu trao đổi, thảo luận đề xuất các giải pháp, biện pháp thực hiện tốt hơn công tác phối hợp liên ngành trong năm 2023 và các năm tiếp theo, qua đó nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo thực hiện các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình để trẻ em có điều kiện phát triển toàn diện.



Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đại diện Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, và đại diện một số các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đều thể hiện sự nhất trí với các đánh giá của Bộ Tư pháp (Cục con nuôi) về kết quả đã đạt được trong công tác phối hợp liên ngành ở lĩnh vực nuôi con nuôi trong năm 2022, đồng thời thể hiện quan điểm luôn sẵn sàng phối hợp tích cực với Bộ Tư pháp để đảm bảo thực thi tốt các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi và pháp luật về trẻ em hướng đến đảm bảo các quyền lợi tốt nhất cho trẻ.
Kết luận cuộc họp, ông Đặng Trần Anh Tuấn một lần nữa đánh giá cao những ý kiến đóng góp của đại biểu các bộ ngành đối với công tác phối hợp liên ngành trong lĩnh vực nuôi con nuôi.  Đồng thời, ông Tuấn cũng khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác phối hợp liên ngành tốt hơn nữa, và đề xuất công tác phối hợp liên ngành năm 2023 cần tập tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác hoàn thiện thể chế; công tác truyền thông, tập huấn, nâng cao nhận thức trong lĩnh vực nuôi con nuôi, trong đó lấy quyền trẻ em làm trung tâm; công tác chia sẻ số liệu, dữ liệu giữa Bộ Tư pháp – Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội về trẻ em và về cơ sở bảo trợ xã hội; thực hiện xây dựng các bộ công cụ, tiêu chí để hướng dẫn, đánh giá các quy định pháp luật đối với các địa phương trong việc thực hiện các biểu mẫu; ban hành văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác nuôi con nuôi, đặc biệt là việc rà soát, chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế đối với trẻ em đang sống tại các cơ sở nuôi dưỡng, vì lợi ích tốt nhất của trẻ.
 
                                                                                                                    Nguyễn Hồng Anh