Hôm nay 10/11, Trường Đại học Luật Hà Nội kỷ niệm 43 năm ngày thành lập trường (10/11/1979 – 10/11/2022). 43 năm qua Trường Đại học Luật đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực pháp luật cho đất nước. Nhân dịp này, Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng nhà trường.
- Ngày 30/9/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Là Hiệu trưởng, ông cảm nhận như thế nào về Đề án này?
Trường Đại học Luật Hà Nội được thành lập ngày 10/11/1979, đến nay vừa tròn 43 năm. Những gì Trường có được hôm nay ghi dấu ấn của rất nhiều thế hệ lãnh đạo nhà trường, các thế hệ nhà giáo và người học đã trưởng thành dưới mái trường Đại học Pháp lý, nay là Trường Đại học Luật Hà Nội. Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” được phê duyệt theo Quyết định số 1156/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ đối với mỗi viên chức, người lao động của Trường Đại học Luật Hà Nội cảm nhận thì đây không chỉ là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp tư pháp, mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Trường Đại học Luật Hà Nội trong 43 năm qua. Ngoài những cơ chế khuyến khích hỗ trợ, Đề án 1156 cũng tạo ra “sức ép” không nhỏ về các mục tiêu mà Trường phải đạt được trong thời gian từ nay đến năm 2030 bao gồm quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo, tiêu chuẩn của đội ngũ giảng viên và nguồn nhân lực, số lượng công bố quốc tế, khả năng hợp tác trong và ngoài nước, cơ sở vật chất và công nghệ thông tin v.v.. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm của Đảng ủy, Hội đồng Trường, Ban giám hiệu và toàn thể đội ngũ viên chức, người lao động, cá nhân tôi tin tưởng Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ sớm hoàn thành các mục tiêu của Đề án, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước và sứ mệnh của Trường kể từ khi thành lập đến nay.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh trống khai giảng Khoá 47
- Là cơ sở đào tạo luật lớn nhất cả nước, nhìn lại chặng đường 43 năm qua, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của Trường Đại học Luật Hà Nội trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực pháp luật cho đất nước?
Người học luôn là “nguồn vốn” quý báu nhất đối với mỗi cơ sở đào tạo, nhất là ở bậc đại học trở lên. Trường Đại học Luật Hà Nội luôn chú trọng xây dựng và cập nhật hệ thống chương trình đào tạo một cách bài bản, thường xuyên. Với 08 chương trình đào tạo cử nhân luật, 13 chương trình đào tạo thạc sĩ luật và 07 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ luật. Trong 43 năm qua, Trường đã đào tạo được 47 khoá sinh viên chính quy, 29 khoá cao học và 27 khóa nghiên cứu sinh và nhiều khoá học viên các bậc, hệ đào tạo khác với tổng số lượng sinh viên, học viện tốt nghiệp lên tới 130.000 người. Có thể khẳng định, các thế hệ người học của các hệ đào tạo sau khi tốt nghiệp đã trở thành nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng, cung cấp cho xã hội để tham gia công tác tại bộ, ngành, tổ chức và doanh nghiệp khác nhau, đặc biệt là đã cung cấp trực tiếp nguồn cán bộ cho Bộ, Ngành tư pháp trên cả nước, góp phần xây dựng Bộ, Ngành Tư pháp ngày một phát triển, lớn mạnh. Nhiều thế hệ cựu sinh viên, học viên của Trường đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, các cấp chính quyền tại địa phương và hệ thống các cơ quan tư pháp. Sự đóng góp cho xã hội của đội ngũ cựu sinh viên, học viên của Trường đã trở thành nguồn động lực to lớn để tập thể thầy và trò của Trường Đại học Luật Hà Nội ngày hôm nay tiếp tục nỗ lực, quyết tâm đạt được nhiều hơn nữa những thành công trong tương lai.
Chủ tịch Hội đồng Trường Chu Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Lê Đình Nghị trao quyết định bổ nhiệm cho hai đồng chí Nguyễn Triều Dương và đồng chí Phạm Thị Vân Anh
- Hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường có vai trò như thế nào đối với công tác đào tạo và đối với ngành Tư pháp nói riêng và xã hội nói chung, thưa ông?
Từ lâu, đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng là ba sứ mệnh trụ cột của Trường Đại học Luật Hà Nội, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội trước tiên để phục vụ cho công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời góp phần phụng sự cộng đồng và xã hội. Trong 43 năm qua, Trường Đại học Luật Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong nghiên cứu khoa học pháp lý, đặc biệt từ năm 2013 đến nay, khi bắt đầu thực hiện triển khai Đề án xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định 549/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với thế mạnh đội ngũ các nhà khoa học chuyên môn sâu, đa số đang ở độ chín về năng lực, Trường dần thể hiện được vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học pháp lý, các nghiên cứu có tính lan tỏa trong xã hội, với nhiều kết quả nghiên cứu trực tiếp phục vụ yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, có thể ứng dụng trong các lĩnh vực xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật và hội nhập quốc tế.
Trường được Nhà nước, các Bộ, ngành và địa phương đặt hàng cũng như được giao một số nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, góp phần xây dựng chính sách và pháp luật. Trong những năm qua, Trường thực hiện và nghiệm thu 249 đề tài cấp cơ sở, 28 đề tài cấp Bộ và 05 đề tài, đề án cấp Nhà nước; tổ chức 380 hội thảo và tọa đàm các cấp, trong đó có 28 hội thảo quốc tế; công bố 34 bài báo ISI/SCOPUS, 52 bài báo đăng tạp chí nước ngoài có ISSN và phản biện độc lập, 16 chương sách bằng tiếng nước ngoài được nhà xuất bản nước ngoài có uy tín xuất bản; hơn 600 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí có tính điểm của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.
Thời gian gần đây, việc hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức khoa học, cơ quan Nhà nước, các hiệp hội được đẩy mạnh và hiệu quả thông qua các thỏa thuận hợp tác. Nhiều giảng viên của Trường với chuyên môn sâu của mình đã và đang tham gia góp ý các văn kiện của Đảng; tham gia xây dựng, góp ý dự thảo các văn bản luật quan trọng như Hiến pháp, các văn bản luật, nghị định, thông tư v.v.. Để phát triển các hướng nghiên cứu chuyên sâu và nghiên cứu liên ngành, Trường đã thành lập 12 nhóm nghiên cứu, đồng thời có chính sách khuyến khích để các nhóm nghiên cứu tham gia các đề tài, đề án cấp tỉnh, cấp Bộ, cấp Nhà nước và có công bố quốc tế. Trường cũng chú trọng đào tạo bồi dưỡng, phát triển thế hệ các nhà khoa học trẻ, khuyến khích các giảng viên đi học nghiên cứu sinh, nghiên cứu sau tiến sĩ ở các nước phát triển. Phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên phát triển mạnh với hàng trăm đề tài mỗi năm, trong đó có nhiều đề tài được cử dự thi các giải thưởng dành cho sinh viên và đạt giải cấp Quốc gia.
- Bối cảnh hội nhập hiện nay đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác đào tạo cán bộ về pháp luật, xin ông cho biết những thách thức cơ bản mà Trường đã và đang đối mặt?
Bối cảnh hội nhập quốc tế và đổi mới giáo dục hiện nay đã tạo ra nhiều cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học nhưng cũng đồng thời tạo ra nhiều thách thức. Nếu như trước kia, số lượng cơ sở đào tạo luật chỉ đếm ở một con số thì hiện nay có gần 100 cơ sở với quy mô khác nhau. Để nâng cao hiệu quả đào tạo và giữ vững vị trí là Trường trọng điểm về đào tạo cán bộ về pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội đã và đang phải nhận diện và vượt qua những thách thức như sự cạnh tranh về chi phí đào tạo, sức ỳ trong quá trình đổi mới công tác quản lý và phục vụ đào tạo, sự chậm thay đổi và cập nhật của chương trình đào tạo nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra, từng bước tiếp cận trình độ đào tạo khu vực và quốc tế v.v.. Những thách thức này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những yếu tố khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận có tính hai chiều, đó là trong “nguy” còn có “cơ”, tức là những thách thức mà Trường và mỗi giảng viên, viên chức phải đối mặt sẽ là động lực để tự thân mỗi cá nhân và tập thể phải có giải pháp để đổi mới chính mình nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội.
- Thưa ông, thời gian tới, Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ thực hiện những giải pháp nào mang tính đột phá để tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định 1156/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ?
Trường Đại học Luật Hà Nội hiện đang khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, trung tâm nghiên cứu và truyền bá pháp lý hàng đầu trong các cơ sở đào tạo pháp luật của Việt Nam, có vai trò dẫn dắt trong hệ thống các cơ sở đào tạo luật của cả nước, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Muốn được như vậy, Trường đã và đang thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Về đào tạo, Trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội; mở rộng quy mô nhưng kiểm soát tốt về chất lượng; tiếp tục khẳng định thế mạnh đào tạo trong các lĩnh vực pháp luật, phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo mới ở trình độ đại học, thạc sĩ, các chương trình đào tạo chất lượng cao; phát triển đa dạng chương trình và mở rộng các hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của cơ quan tổ chức, doanh nghiệp.
Về nghiên cứu khoa học, Trường có chính sách thu hút, phát huy trí tuệ, hàm lượng chất xám của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành; phát triển quan hệ hợp tác sâu, rộng về khoa học công nghệ với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước; Nâng cao tính quốc tế trong hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua các dự án hợp tác quốc tế; có cơ chế khuyến khích, đẩy mạnh công bố quốc tế…
Về phát triển nguồn nhân lực, Trường chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu đủ về số lượng và mạnh về chất lượng; thu hút các giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên được đào tạo chất lượng ở nước ngoài về làm việc; ký hợp đồng lao động đối với giảng viên là người nước ngoài; Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên; khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên tham gia hoạt động xây dựng, phản biện chính sách, hoạt động tư vấn và thực hành nghề luật; đẩy mạnh giao lưu, trao đổi giảng viên với các cơ sở đào tạo nước ngoài…
Về hợp tác trong nước và quốc tế, Trường đẩy mạnh thiết lập, phát triển quan hệ hợp tác ổn định, có chiều sâu với các cơ sở đào tạo luật có uy tín trên thế giới tại các nước phát triển và tại khu vực Đông Nam Á và Châu Á; Tăng cường đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác với các trường đào tạo luật có uy tín trong nước; Tăng cường các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên mỗi năm với các cơ sở đào tạo nước ngoài; Tăng cường các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế…
Cá nhân tôi tin rằng, với sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Tư pháp, cùng với sự đoàn kết của tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động, Trường Đại học Luật Hà Nội nhất định thực hiện được sứ mệnh của mình là Trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, thực hiện được giá trị cốt lõi “Con người – Chất lượng – Thương hiệu – Hội nhập” mà trong 43 năm qua thời gian qua, các thế hệ lãnh đạo, viên chức, người lao động đã dày công vun đắp để tạo nên danh hiệu “Trường Đại học Luật Hà Nội” mến yêu như hôm nay.
- Trân trọng cảm ơn ông!
https://baophapluat.vn/