Hội nghị đánh giá giữa kỳ Dự án “Hỗ trợ hệ thống TGPL ở Việt Nam, giai đoạn 2005-2009”

03/05/2008
Thực hiện chương trình công tác năm 2008 đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt, vừa qua tại Hà Nội, Cục Trợ giúp pháp lý tổ chức Hội nghị đánh giá giữa kỳ Dự án “Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam, giai đoạn 2005-2009”.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế... và cán bộ, công chức thuộc Cục Trợ giúp pháp lý.

              Hội nghị được vinh dự đóng đồng chí Đinh Trung Tụng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp đến dự, phát biểu khai mạc và chủ trì hội nghị. Đồng chí Tạ Thị Minh Lý - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đã đọc báo cáo giữa kỳ về kết quả thực hiện Dự án. Một số đại biểu tham gia Hội nghị (Sở Tư pháp Hậu Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nghệ An, Nam Định, Hà Tây, Bắc Ninh...) đã phát biểu đánh giá về quá trình thực hiện Dự án tại địa phương mình trong thời gian qua, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án và các đề xuất kiến nghị trong thời gian tới. Các đại biểu cho rằng thời gian qua, Cục và Trung tâm trợ giúp pháp lý tham gia Dự án đã thực hiện tốt 3 mục tiêu của Dự án là:

- Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các nhóm đối tượng yếu thế khác như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số... Cụ thể là 63 Trung tâm đã thường xuyên thực hiện hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, báo địa phương, qua các đợt lưu động phát tờ gấp pháp luật hoặc thông báo của loa truyền thanh của xã, đặt 500 biển thông báo về trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng để người dân, đặc biệt là người bị tạm giữ, bị can có thể biết được quyền được trợ giúp pháp lý, điều kiện và thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý. Nhờ đó mà tỷ lệ người dân biết về hoạt động trợ giúp pháp lý đã tăng lên đáng kể: đạt từ 60%-80% số lượng người được hỏi tại 10 Trung tâm năm 2007.

- Nâng cao năng lực của các tổ chức trợ giúp pháp lý để đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý đa dạng của các nhóm đối tượng thụ hưởng: Cục tổ chức 10 lớp tập huấn cho 600 lượt cán bộ và cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý, các Trung tâm đã tổ chức 258 lớp tập huấn cho hơn 10.000 lượt cán bộ và cộng tác viên của Trung tâm. Ngoài ra, Cục còn tổ chức nhiều hội thảo về các bài học kinh nghiệm liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý ở Việt Nam. Các Trung tâm đã tổ chức khảo sát, học hỏi kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý ở các tỉnh bạn. Dự án còn hỗ trợ thiết bị làm việc cho các Trung tâm, mỗi Trung tâm 1 máy photocopy, 1 bộ máy tính và máy in...

- Hoàn thiện thể chế và xây dựng chiến lược phát triển hệ thống trợ giúp pháp lý. Với sự đóng góp ý kiến của các Trung tâm, Cục đã chuẩn bị một số văn bản trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành: Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC...

              Tuy nhiên, bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng do lạm phát, đồng tiền mất giá đề nghị Dự án tăng tiền hỗ trợ các vụ việc bào chữa; hỗ trợ thêm cho các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý mới được thành lập, hỗ trợ thêm các trang thiết bị, nhất là phương tiện đi lại.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện các cam kết với Dự án về vốn đối ứng, cam kết về biên chế (mỗi Trung tâm có từ 5 biên chế trở lên), tiếp tục truyền thông về trợ giúp pháp lý để nhiều người dân biết đến hoạt động trợ giúp pháp lý; chú trọng xây dựng Đề án kiện toàn Trung tâm theo Luật Trợ giúp pháp lý; tăng cường công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo Thông tư liên tịch số 10/2007; tăng cường kiểm tra về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý... góp phần thực hiện thành công Dự án.

Vũ Hồng Tuyến - Cục Trợ giúp pháp lý