Ngày 07/10, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức chương trình giới thiệu tài liệu truyền thông tuyên truyền và hướng dẫn cách thức khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển. Bộ pháp điển hiện nay được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển với địa chỉ truy cập: https://phapdien.moj.gov.vn.
Đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL chủ trì. Dự hội nghị còn có đại diện của các tổ chức pháp chế các Bộ, ngành.
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Hồ Quang Huy cho biết trong gần 10 năm qua, với sự nỗ lực của các Bộ, ngành, Bộ pháp điển cơ bản đã được hoàn thành với 250/271 đề mục đã được Chính phủ thông qua. Chính vì vậy đây chính là giai đoạn bước đầu của quá trình đẩy mạnh truyền thông, đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống.
Qua việc pháp điển 250/271 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được gần 08 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 09 nghìn văn bản QPPL của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực.
Đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL
Đồng chí Hồ Quang Huy cũng cho biết thêm, trong thời gian qua, Cục Kiểm tra VBQPPL đã phối hợp với các Dự án nước ngoài để triển khai xây dựng Bộ tài liệu, các công cụ để giúp người dân, tổ chức khai thác sử dụng Bộ pháp điển. Trong số đó, tờ gấp, video giới thiệu về Bộ pháp điển được giới thiệu tại Chương trình sẽ cung cấp các kỹ năng cơ bản giúp các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân tiệm cận dễ dàng với các quy định của Bộ pháp điển đồng thời góp phần lan tỏa các giá trị, ý nghĩa thực tế của Bộ pháp điển tới đông đảo tầng lớp nhân dân để người dân thấy được giá trị, tiện ích của Bộ pháp điển chính thống do Nhà nước xây dựng và có sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành. Trên cơ sở đó tiến tới chuẩn bị tổng kết 10 năm triển khai Quyết định 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển.
Giao diện khai thác, tra cứu của Bộ Pháp điển điện tử
Từ thực tiễn quản lý nhà nước về kiểm tra VBQPPL, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL nhận định, thực tế áp dụng pháp luật cho thấy vẫn còn tình trạng các quy định tản mát, phân tán trong nhiều văn bản. Sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế - xã hội dẫn đến sự thay đổi, sửa đổi, bổ sung của nhiều văn bản QPPL. Người dân, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các quy định. Bộ Pháp điển điện tử giúp các cá nhân theo dõi các văn bản có hệ thống, khoa học và từng bước thay đổi thói quen từ khai thác, sử dụng văn bản QPPL riêng lẻ sang khai thác, sử dụng Bộ pháp điển.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã khái quát về công tác xây dựng Bộ pháp điển và Bộ pháp điển Việt Nam, đồng thời giới thiệu về các hình thức pháp điển; nguyên tắc thực hiện pháp điển; cấu trúc của Bộ Pháp điển; lộ trình và tiến độ xây dựng Bộ Pháp điển hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL
Theo thống kê trên Cổng thông tin điện tử pháp điển, cho đến nay đã có hơn 8 triệu lượt truy cập (trung bình mỗi ngày có hơn 3 nghìn lượt truy cập). Những kết quả đạt được của Bộ pháp điển bước đầu đã được xã hội đón nhận tích cực, đánh giá cao và ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức thường xuyên khai thác, sử dụng Bộ pháp điển trong giải quyết công việc của mình.
Nhiều câu hỏi về Bộ Pháp điển điện tử được đại diện Vụ Pháp chế và các phóng viên báo chí, truyền thông nêu tại Hội nghị. Đồng chí Cục trưởng Hồ Quang Huy Cục và các công chức trực tiếp làm công tác pháp điển đã giải đáp, trả lời đầy đủ, cụ thể các nội dung và nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu.
Bộ pháp điển được sử dụng để tra cứu trong áp dụng, thực hiện pháp luật và được khai thác, sử dụng miễn phí. Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL quy định Bộ pháp điển của Việt Nam được cấu trúc theo chủ đề. Hiện nay, Bộ pháp điển có 45 chủ đề được đánh số thứ tự từ số 1 đến số 45. Mỗi Chủ đề có 1 hoặc nhiều đề mục (có 271 đề mục thuộc 45 chủ đề). Trong mỗi đề mục có thể có các Phần, Chương, Mục, Tiểu mục, Điều, Khoản, Điểm. |
Một số hình ảnh tại cuộc họp:
Thực hiện An Như – Trung tâm Thông tin