Cuối tuần qua, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (CLB) - Bộ Tư pháp tổ chức Diễn đàn giao lưu “Vướng mắc pháp lý trong quản trị DN”, có sự tham gia của nhiều chuyên gia pháp luật từ các Bộ, luật sư và đông đảo các DN. Mặc dù nội dung thảo luận chủ yếu giải đáp những vướng mắc pháp lý trong quản trị DN của công ty cổ phần nhưng ngay cả các công ty chưa tiến hành cổ phần hoá cũng rất hài lòng với những thông tin, kinh nghiệm mà họ thu thập được qua Diễn đàn này.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ban Kinh tế vĩ mô - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, Việt Nam hiện có 4 mô hình quản trị DN, bao gồm DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Ông Cao Đăng Vinh, Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế - Bộ Tư pháp khẳng định, quản trị DN có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của DN; trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các cổ đông và nhà đầu tư; ngăn ngừa, hạn chế những người quản lý lạm dụng quyền; nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn của công ty. Đặc biệt, ở tầm vĩ mô, nó góp phần nâng cao tính ổn định của thị trường tài chính quốc gia.
| |
Ông Hiếu cho biết, trong mô hình quản trị công ty cổ phần, Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền quyết định nhân danh công ty về tất cả các vấn đề nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của công ty, trừ các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, còn người điều hành hoạt động hàng ngày của công ty là giám đốc/tổng giám đốc. Đối với công ty có 11 cổ đông hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu hơn 50% tổng số cổ phần đã phát hành thì phải lập ban kiểm soát – do Đại hội đồng cổ đông bầu, bãi miễn. Trước băn khoăn liệu quản trị công ty đại chúng có phải là một mô hình mới, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính giải đáp ngắn gọn, công ty đại chúng chính là công ty cổ phần đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc có cổ phiếu được niêm yết hoặc có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu. Cũng theo bà Thuỷ, vấn đề thực hiện quản trị công ty đại chúng đang có khá nhiều bất cập. Chẳng hạn, các công ty đại chúng ít quan tâm đúng mức đến quản trị, chưa nắm rõ quy định của pháp luật về vấn đề này; sự minh bạch và công bố thông tin chưa tốt; giao dịch với bên có liên quan không được kiểm soát, hiện tượng tư lợi diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, chức năng giám sát và kiểm soát của Hội đồng quản trị còn hạn chế, vai trò của Ban kiểm soát lại chưa rõ ràng và mang tính hình thức.
Chủ trì phần thảo luận của Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu QLKTTƯ, Bộ KH&ĐT) Nguyễn Đình Cung nhận được rất nhiều câu hỏi của các đại biểu liên quan đến cách thức thực hiện quyền và nghĩa vụ của bộ máy quản lý DN. Ông Cung thừa nhận, tuy Luật DN năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định chi tiết về vấn đề quản trị DN song các quy định ấy chưa hẳn đã kín kẽ. Đơn cử, có DN thắc mắc xung quanh chuyện đặt tên thì ông Cung cho biết, hiện nay mới xử lý được tên các DN trùng nhau trong phạm vi một tỉnh (không cấp giấy phép đăng ký kinh doanh), chứ chưa mở rộng được trên phạm vi cả nước.
Vẫn còn không ít vướng mắc trong quản trị DN cần tháo gỡ mà khuôn khổ của một diễn đàn giao lưu là không thể đáp ứng kịp thời nhưng việc tổ chức những diễn đàn tương tự sẽ rất được các DN ủng hộ. Đại diện Công ty may mặc thời trang Hà Nội (Hafasco) tâm sự, mới đang chuẩn bị tiến hành cổ phần hoá nhưng việc lắng nghe những vướng mắc về quản trị công ty đại chúng và cách giải quyết sẽ rất hữu ích cho Hafasco trong quá trình hoạt động sau này của Công ty.
Hoàng Thư