Ngày 28/9, Bộ Tư pháp đã phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo “Xây dựng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội và Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự có đại diện Văn phòng Quốc hội, đại diện một số Bộ, ngành liên quan cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội và các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII đã nhận định về những bất cập, hạn chế trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân Thủ đô, đó là: (i) Về nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp chưa ổn định, hiệu quả còn thấp; nông nghiệp công nghệ cao còn ít; chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa theo kịp yêu cầu. (ii) Về nông thôn, kinh tế nông thôn vẫn còn nhiều bất cập, mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã quy mô nhỏ, năng lực tiếp thu tiến bộ kỹ thuật cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội của nông thôn; công ty quản lý xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn còn hạn chế. (iii) Về nông dân, chất lượng đào tạo nghề, nhất là đào tạo lao động nông thôn chưa theo kịp yêu cầu của thị trường lao động; người nông dân chưa thật sự làm chủ được chu trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi cung ứng và thụ hưởng thành quả của ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu. Do vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, để giúp xây dựng chính sách, quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) được khả thi, đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong thời gian tới.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cho biết: hiện nay Luật Thủ đô chưa có quy định riêng về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; làm ảnh hưởng đến tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện của hệ thống chính sách về Thủ đô. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) triển khai thu thập thông tin, xây dựng báo cáo đánh giá tác động chính sách về “Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Trong đó, giải pháp được lựa chọn để thực hiện các chính sách là: (i) chính quyền Thủ đô ban hành các cơ chế đặc thù phát triển nông nghiệp, nông thôn; (ii) ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ về tài chính, khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư cá nhân, tổ chức vào phát triển nông nghiệp, nông thôn; (iii) Thành phố ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn; (iv) quy định chính sách hỗ trợ nông dân, người lao đông; (v) quy định và áp dụng các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, đặc biệt là các làng nghề.
Hội thảo được nghe 06 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn về các chính sách, giải pháp nhằm: (i) tăng thẩm quyền quy hoạch nông nghiệp, nông thôn (đô thị sinh thái), quy hoạch đề điều cho Thủ đô; (ii) đánh giá và khuyến nghị cơ chế, chính sách về bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô; (iii) cơ chế hỗ trợ, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển nông nghiệp; (iv) cơ chế đặc thù phát triển hợp tác xã kiểu mới; (v) chính sách tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp Thủ đô bằng cơ chế đặc thù để chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang các loại đất nông nghiệp khác; (vi) kiến nghị về cơ chế, chính sách đặc thù trong hỗ trợ đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô.
Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Tuyến -Vụ trưởng Vụ VĐCXDPL đánh giá cao ý kiến tham luận tâm huyết, trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học; trong đó các ý kiến đã chỉ ra những bất cập từ thực tiễn thi hành các quy định về nông nghiệp, nông thôn, nông dân hiện nay. Nhiều kiến nghị, đề xuất mang tính xây dựng cao, thiết thực. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc và rất tâm huyết của các đại biểu tham dự nhằm nâng cao hiệu quả thi hành quy định pháp luật về Thủ đô. Ông cũng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tư pháp và Thành phố Hà Nội trong thời gian tới sẽ sớm hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua dự án Luật Thủ đô, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin cậy giao phó, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.