Họp kỹ thuật lấy ý kiến dự thảo Tài liệu hướng dẫn sử dụng Sổ tay pháp luật về BĐTHNV và ĐKBPBĐ

24/09/2022
Họp kỹ thuật lấy ý kiến dự thảo Tài liệu hướng dẫn sử dụng Sổ tay pháp luật về BĐTHNV và ĐKBPBĐ
Sáng ngày 23 tháng 9 năm 2022, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tổ chức Cuộc họp kỹ thuật trực tuyến lấy ý kiến đối với dự thảo Tài liệu hướng dẫn sử dụng Sổ tay pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số - nội dung trong hoạt động được hỗ trợ bởi Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính của hai cơ quan thuộc Liên hợp quốc là UNDP và UNICEF.
 

 
 
Tham dự cuộc họp có bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; bà Đỗ Thúy Vân - Cán bộ Dự án UNDP tại Việt Nam; nhóm chuyên gia tư vấn; các chuyên gia tham gia phản biện gồm: bà Lê Thị Hoàng Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, bà Trần Hải Yến - Phó Trưởng phòng Pháp luật Dân sự thuộc Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và Ông Nguyễn Văn Hợi, Phó Tổ Trưởng Bộ môn Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ Tư pháp và các đại biểu đến từ một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến giáo dục và pháp luật, Tổng cục Thi hành án dân sự, Viện Khoa học pháp lý,…); Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; các đại biểu thuộc Sở Tư Pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, UBND TP.Hà Nội, tỉnh Yên Bái, tỉnh Sơn La, tỉnh Lai Châu, tỉnh Điện Biên, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bình Thuận, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Gia Lai.

   

Tại cuộc họp, thay mặt nhóm chuyên gia tư vấn, TS.Nguyễn Bích Thảo, Trưởng Bộ môn Luật Dân sự, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội - Trưởng nhóm giới thiệu về quá trình xây dựng và những nội dung cơ bản của dự thảo Tài liệu hướng dẫn sử dụng Sổ tay pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

    

Các chuyên gia và đại biểu tham dự bên cạnh sự nhất trí về sự cần thiết của việc xây dựng Tài liệu tập huấn đã đưa ra nhiều góp ý cụ thể, chi tiết đối với dự thảo, từ kỹ thuật trình bày, cấu trúc của Tài liệu tập huấn, phương pháp tập huấn cho đến các nội dung tập huấn nhằm đảm bảo nội dung truyền tải trong tài liệu dễ hiểu, thiết thực, dễ tiếp cận cho đối tượng yếu thế, đặc biệt chú trọng tính tương tác giữa tập huấn viên và học viên. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, đại diện nhóm chuyên gia tư vấn ghi nhận để tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Tài liệu hướng dẫn trong thời gian tới.

    

Kết thúc cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu Hằng đánh giá Tài liệu tập huấn này rất có ý nghĩa quan trọng, giúp cho các tập huấn viên tại địa phương có phương pháp, cách thức truyền tải pháp luật đến nhóm đối tượng yếu thế một cách hiệu quả nhất, qua đó giúp họ có thể nắm bắt các quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm và vận dụng vào trong đời sống thực tiễn, từ đó tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Thay mặt Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cảm ơn các chuyên gia, các đại biểu đã dành thời gian tham dự cuộc họp và đóng góp những ý kiến chất lượng để Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, nhóm chuyên gia tư vấn phối hợp với UNDP, Ban Quản lý dự án của Bộ Tư pháp tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo trong thời gian thời gian tới  nhằm đảm bảo xây dựng được Tài liệu tập huấn chất lượng để đạt được những mục tiêu mà dự án đã đề ra.