Ngày 15/9/2022 – 16/9/2022, tại thành phố Buôn Mê Thuật, tỉnh Đắk Lắk, Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi là Ban Quản lý Chương trình HTPLLN) phối hợp Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế tổ chức Hội thảo (theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến) lấy ý kiến dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” và tổ chức khảo sát (trực tiếp và chuyên sâu) tại Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk và Hội doanh nghiệp trẻ thành phố Buôn Mê Thuật về tình hình, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo do ông Cao Đăng Vinh, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình HTPLLN, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế chủ trì; tham gia Hội thảo có ông Lê Tuấn Phong, Thành viên Ban Quản lý Chương trình, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk; đại diện Bộ Tài chính; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tham dự trực tiếp và đại diện các sở, ban, ngành trên địa bàn các tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng) tham dự trực tuyến và các báo đài trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Cao Đăng Vinh cho rằng, Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” là nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp được Chính phủ giao thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp liên quan đến nhiệm vụ của các bộ ngành, địa phương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ pháp lý và đặc biệt là các doanh nghiệp – đối tượng trực tiếp thụ hưởng chương trình này của Chính phủ. Do đó, tại Hội thảo này, Bộ Tư pháp mong muốn ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo để Đề án được hoàn thiện đạt hiệu quả cao nhất.
Hội thảo được lắng nghe nhiều ý kiến phát biểu để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Theo đó, cần tập trung một số giải pháp chủ yếu như: ban hành quy định cụ thể về các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với từng bộ, ngành và địa phương; đổi mới việc cung cấp thông tin, trên Trang Thông tin hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp - Bộ Tư pháp; thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho mạng lưới tư vấn pháp luật cấp tỉnh, đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…
Tại buổi khảo sát về tình hình, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk và Hội doanh nghiệp trẻ thành phố Buôn Mê Thuật, các đại diện tham gia khảo sát cho rằng, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát huy hết hiệu quả của hoạt động này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Cụ thể như: chính quyền địa phương chưa có giải pháp để phát huy vai trò của các cơ quan này trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến vấn đề pháp lý khi thực hiện thủ tục thành lập và khi doanh nghiệp gặp rủi ro trên thực tế mà chưa quan tâm đến vấn đề pháp lý trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh... Do đó, để nâng cao công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và vai trò của Đoàn Luật sư, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong công tác này, cần có giải pháp cụ thể để đưa vai trò của các tổ chức này trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt cần có cơ sở pháp lý để các tổ chức này có căn cứ triển khai hoạt động này.
Kết thúc Hội thảo và khảo sát, ông Cao Đăng Vinh, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình HTPLLN, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế thay mặt Đoàn công tác cảm ơn sự tham gia của các đại biểu đại diện cho các sở ban ngành trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh lân cận; cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu và Bộ Tư pháp (Ban Quản lý Chương trình HTPLLN và Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) ghi nhận ý kiến đóng góp và tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.