Dự thảo Đề án quy hoạch phát triển nghề công chứng Năm 2020, Việt Nam có khoảng 3.000 công chứng viên

05/05/2008
Ngày 2/5, Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Vụ Hành chính tư pháp về Dự thảo Đề án quy hoạch phát triển nghề công chứng đến năm 2020. Theo Phó Vụ trưởng Dương Đình Thành, nhu cầu công chứng của xã hội là rất lớn nhưng số lượng, chất lượng của các tổ chức hành nghề công chứng lại chưa đồng đều ở các địa phương.

Với quan điểm thay thế dứt điểm việc chứng thực của UBND, phát triển đồng bộ với thị trường bất động sản hình thành mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng mạnh về cả lượng lẫn chất…, việc thực hiện Đề án sẽ chia thành 3 giai đoạn. Cụ thể, từ nay đến năm 2012, các tỉnh có 3 tổ chức hành nghề sẽ có 1 đoàn công chứng, các thành phố có đủ văn phòng công chứng thay thế cho chứng thực tại UBND; giai đoạn năm 2012 – 2016, thành lập 700 tổ chức, bổ nhiệm 1.300 công chứng viên (CCV); giai đoạn còn lại đạt 1.500 tổ chức, 3.000 CCV và có 1 tổ chức CCV toàn quốc. Thứ trưởng cho rằng, Đề án phải đánh giá được thực trạng đội ngũ CCV hiện nay ra sao, có tạo được lòng tin của cả một đất nước hơn 80 triệu dân. Bên cạnh đó, cần đặt ra mục tiêu tổng quát, chẳng hạn đến năm 2020 về số lượng có một mạng lưới tổ chức hành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, được phân bổ cân đối giữa các vùng miền và về chất lượng thì phải khiến người dân tự nguyện công chứng cho dù không có quy định bắt buộc rồi tiếp đến mới là các mục tiêu cụ thể. Thứ trưởng cơ bản đồng ý với 5 giải pháp chính của Đề án, gồm hoàn thiện thể chế, chú trọng đào tạo, xây dựng Đề án phát triển văn phòng công chứng ở các địa phương, áp dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, song cũng yêu cầu nội dung các giải pháp phải cụ thể hơn.

Hoàng Thư