Khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức mô hình chính quyền thành phố trong thành phố...

10/08/2022
Khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức mô hình chính quyền thành phố trong thành phố...
Để tiếp tục thực hiện Kế hoạch xây dựng Đề nghị Luật Thủ đô, sáng ngày 09/8/2022, Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phối hợp tổ chức Đoàn khảo sát, trao đổi kinh nghiệm tại thành phố Thủ Đức - thành phố Hồ Chí Minh do ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đồng Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn khảo sát là đại diện Lãnh đạo các Bộ, Sở thuộc thành phố Hà Nội, các chuyên gia xây dựng Luật Thủ đô.
Tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát có ông Hoàng Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, đại diện một số Sở thuộc thành phố Hồ Chí Minh và một số phòng, ban thuộc thành phố Thủ Đức. Mục đích của Đoàn khảo sát là trao đổi, thu thập thông tin về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động và nhiệm vụ quyền hạn của mô hình thành phố trong thành phố tại Thủ Đức; vấn đề phân cấp, phân quyền giữa thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức; khảo sát, trao đổi kinh nghiệm làm cơ sở để lập đề nghị xây dựng Luật Thủ đô.
Thành phố Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở sáp nhập 03 quận: 2, 9 và Thủ Đức, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Thành phố Thủ Đức là mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước. Định hướng phát triển trở thành “cực” tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố Hồ Chí Minh, là “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, phát triển trên nền tảng kinh tế trí thức, ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất lao động cao, là thành phố xanh, thông minh, hạ tầng kỹ thuật và quản lý xã hội hiện đại, hội nhập quốc tế, nơi đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong năm 2021 và 06 tháng đầu năm 2022, UBND thành phố Thủ Đức đã tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy sau khi thành lập Thành phố, đến nay, về tổ chức bộ máy cơ bản ổn định, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng nâng cao, tập trung nghiên cứu, rà soát đề xuất các chính sách phù hợp để phát triển thành phố Thủ Đức theo mục tiêu xây dựng thành phố trở thành “Đô thị thông minh, sáng tạo, có chất lượng sống tốt; văn minh - hiện đại - nghĩa tình; phát triển nhanh, bền vững”. Thành phố cũng đã rà soát, nghiên cứu và đề xuất với thành phố Hồ Chí Minh để kiến nghị với Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách phát triển phù hợp với quy mô và tính chất của chính quyền đô thị hiện nay. Các hoạt động phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, thu ngân sách tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến gợi ý một số nội dung thảo luận về: (1) Trao đổi, thảo luận về việc xây dựng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của hệ thống chính quyền, đảng, đoàn thể thành phố Thủ Đức từ khi thành lập thành phố đến nay; (2) Những vấn đề hạn chế, bất cập về nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức, bộ máy biên chế trong việc triển khai nhiệm vụ; (3) Khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Đoàn thể; (4) Kiến nghị về phân cấp, phân quyền giữa cấp thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức, việc bổ sung, tăng thẩm quyền cho TP Thủ Đức; (5) Kiến nghị về thể chế liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, chế độ hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức.
Đoàn khảo sát cùng Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức cũng nhận diện một số khó khăn, vướng mắc về nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức, bộ máy, biên chế, trong việc triển khai nhiệm vụ:
- Thực tiễn của quá trình vận hành thành phố Thủ Đức theo mô hình mới đã đặt ra yêu cầu và những thách thức rất lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như: quy hoạch, quản lý quy hoạch, đất đai, môi trường, quốc phòng an ninh, giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là phát huy và tối ưu hóa các nguồn lực, các tiềm năng, thế mạnh của thành phố Thủ Đức.
- Công tác điều hành hoạt động của bộ máy chính quyền từ khi thành lập cho đến nay còn nhiều khó khăn do quy mô lớn, các đầu mối hành chính trực thuộc nhiều, các vấn đề tồn đọng từ 3 quận cũ trước đây khá lớn, trong khi đó đội ngũ nhân sự lãnh đạo UBND thực hiện thu gọn lại tương đương cấp quận - huyện, trong khi chưa có cơ chế hoạt động phù hợp đã tạo những áp lực rất lớn trong công tác điều hành, xử lý công việc và giải quyết các thủ tục hồ sơ hành chính cho người dân trên địa bàn.
- Thực hiện phân cấp, ủy quyền cho thành phố Thủ Đức mặc dù được lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, nhất là việc hỗ trợ về nguồn lực để chuẩn bị cho việc thực hiện các nội dung dự kiến phân cấp, ủy quyền; công tác phối hợp kết hợp với các sở, ngành thành phố tuy được thực hiện thường xuyên, kịp thời nhưng tính hiệu quả vẫn chưa cao, nhất là trong việc mạnh dạn phân cấp các nội dung có tính chất quan trọng, đột phá cho thành phố Thủ Đức.
- Công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức (nhất là công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý) sau khi sáp nhập cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do phải cân nhắc, giải quyết hài hòa việc sắp xếp nhân sự cùng với yêu cầu đảm bảo số lượng biên chế, người làm việc theo quy định.
Ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội trân trọng cám ơn sự quan tâm, phối hợp của UBND thành phố Thủ Đức về buổi làm việc hôm nay của Đoàn khảo sát. Qua những ý kiến trao đổi, thảo luận của đại biểu về những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố Thủ Đức về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Thủ Đức. Qua đây, sẽ có nhiều gợi mở cho Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô.
Trần Hồng Hạnh, Vụ VĐCXDPL, Bộ Tư pháp