Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2022 của Cục Con nuôi đã được phê duyệt tại Quyết định số 122/QĐ-BTP ngày 27/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Quyết định số 72/QĐ-CCN ngày 18/02/2022 của Cục trưởng Cục Con nuôi phê duyệt Kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và các đoàn kiểm tra, khảo sát của Cục Con nuôi tại địa phương năm 2022, Cục Con nuôi tổ chức Đoàn công tác liên ngành gồm các thành viên đến từ Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp; Cục Bảo trợ xã hội, Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Ban Tôn giáo Chính phủ nhằm khảo sát tình hình nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em và thực hiện trách nhiệm chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội (bao gồm cơ sở nuôi dưỡng trẻ em do các cơ sở tôn giáo thành lập), kiểm tra công tác nuôi con nuôi và trao đổi về công tác phối hợp liên ngành trong lĩnh vực nuôi con nuôi trên địa bàn thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long từ ngày 21/6/2022 đến ngày 24/6/2022.
Tại mỗi địa phương, Đoàn công tác do đồng chí Đặng Trần Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Con nuôi làm Trưởng đoàn đã phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các Phòng Lao động thương binh xã hội tiến hành khảo sát tình hình chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em và chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Chiều ngày 21 tháng 6 tại thành phố Cần Thơ, Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát tại 02 cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ, gồm Cơ sở Bảo trợ xã hội Thiên Ân (phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ), Trung tâm Công tác xã hội thành phố Cần Thơ (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ). Sáng ngày 24 tháng 6 tại tỉnh Vĩnh Long, Đoàn công tác tiến hành khảo sát tại 02 cơ sở nuôi dưỡng trẻ, gồm Mái ấm Quan Âm (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) và Mái ấm Vĩnh Khánh (Phường 8, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Kết quả khảo sát cho thấy, về cơ bản việc tiếp nhận và quản lý hồ sơ trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội được thực hiện đảm bảo trình tự, thủ tục. Đối với Trung tâm Công tác xã hội thành phố Cần Thơ, đây là nơi có cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên phục vụ cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em được củng cố, kiện toàn, thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng trong lĩnh vực chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; đã thực hiện công tác rà soát, đánh giá nhu cầu của trẻ em để chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật, trong đó có hình thức nuôi con nuôi. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng có cơ sở nuôi dưỡng trẻ thuộc cơ sở tôn giáo chưa được thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, chưa thực hiện công tác rà soát, đánh giá nhu cầu của trẻ em để chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
Đoàn công tác đã trực tiếp làm việc với một địa bàn cấp huyện để kiểm tra công tác đăng ký nuôi con nuôi trong nước, đồng thời tổ chức họp liên ngành với sự tham gia của đại diện văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố, Sở Tư pháp, Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Công an tỉnh/thành phố, Ban Tôn giáo tỉnh/thành phố và các cơ trợ giúp xã hội để trao đổi về tình hình giải quyết nuôi con nuôi nhằm thúc đẩy, khơi thông công tác này trên địa bàn tỉnh/thành phố.
Về công tác nuôi con nuôi trong nước, Đoàn kiểm tra đã đến làm việc tại Phòng Tư pháp quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ và Phòng Tư pháp huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, kiểm tra trực tiếp 62 hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trong nước (34 hồ sơ thuộc quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ và 28 hồ sơ thuộc huyện Long Hồ). Về cơ bản, việc đăng ký nuôi con nuôi được thực hiện đúng thẩm quyền, đa số các hồ sơ đảm bảo đầy đủ giấy tờ theo quy định pháp luật, việc vào sổ đăng ký nuôi con nuôi được thực hiện đầy đủ, việc theo dõi tình hình phát triển của trẻ em được nhận làm con nuôi bước đầu đã được thực hiện nghiêm túc ở một số xã.
Qua công tác kiểm tra hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trong nước tại hai địa phương, Đoàn đã kịp thời trao đổi, hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc, khó khăn về nghiệp vụ đăng ký nuôi con nuôi trong nước do các Phòng Tư pháp nêu trong buổi kiểm tra, qua đó giúp cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch tham dự nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ nhằm bảo đảm việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước tuân thủ các quy định về thẩm quyền, thành phần hồ sơ, quy trình thực hiện, lập và quản lý sổ, biểu mẫu.
Tại cuộc họp liên ngành về tình hình giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài với sự tham gia của đồng chí Hồ Văn Gia, Giám đốc Sở Tư pháp thành phồ Cần Thơ và đồng chí Trương Văn Tùng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long và qua thực tế khảo sát, trao đổi liên ngành, Đoàn công tác nhận ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác giải quyết nuôi con nuôi, ví dụ như tại thành phố Cần Thơ, các cấp chính quyền đã quan tâm, chỉ đạo việc rà soát tình hình trẻ em được nuôi dưỡng tại các cơ sở tôn giáo, đã hướng dẫn các cơ sở tôn giáo tiến hành các thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội khi có đủ điều kiện, đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em. Tuy nhiên, tại hai địa phương trên vẫn còn tồn tại tình trạng một số trẻ em được nuôi dưỡng trong các cơ sở tôn giáo nhưng chưa được thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời vẫn còn tồn tại tình trạng một số trẻ em sống lâu dài trong các cơ sở trợ giúp xã hội, chưa được chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế. Theo báo cáo của địa phương, tại Thành phố phố Cần Thơ có 186 trẻ em hiện đang được nuôi dưỡng tại 05 Cơ sở bảo trợ xã hội và 108 trẻ em đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở tôn giáo; tại tỉnh Vĩnh Long có 156 trẻ em được nuôi dưỡng tại 14 cơ sở (01 cơ sở công lập, 02 cơ sở ngoài công lập và 11 cơ sở thờ tự).
Tại buổi làm việc, đồng chí Trưởng đoàn đã đề nghị các cơ quan, ban ngành tại hai địa phương tăng cường công tác phối hợp liên ngành, quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực nuôi con nuôi, chú trọng công tác rà soát, đánh giá nhu cầu của trẻ em để lựa chọn hình thức chăm sóc thay thế phù hợp, tránh để các trẻ em sống lâu dài trong các cơ sở nuôi dưỡng. Việc giải quyết nuôi con nuôi cũng là một biện pháp giúp giảm tải gánh nặng xã hội, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước đồng thời tạo cơ hội để nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được sống trong môi trường gia đình.
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Trưởng đoàn đã đề nghị các cơ quan, ban ngành tại hai địa phương cần tăng cường, đổi mới phương thức phối hợp liên ngành với tinh thần lấy trẻ em làm trung tâm và vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Theo đó, Sở Tư pháp cần chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, như Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội, Ban Tôn giáo, Công an tỉnh/thành phố…, sớm xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác rà soát đánh giá nhu cầu của trẻ em ở các cơ sở trợ giúp xã hội để chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để bảo đảm cho các cháu được sống trong môi trường gia đình lâu dài, bền vững. Đồng thời, qua công tác kiểm tra, Đoàn cũng có cơ hội lắng nghe, trao đổi về những vướng mắc, khó khăn, kiến nghị, đề xuất của địa phương trong quá trình triển khai thi hành pháp luật nuôi con nuôi để phục vụ cho việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.
Thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long đều ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả tại các buổi làm việc của Đoàn công tác liên ngành, đồng thời bày tỏ mong muốn Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp tăng cường tổ chức các hoạt động kiểm tra, tập huấn để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ công chức tư pháp các cấp, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc giải quyết nuôi con nuôi ở địa phương
Trên cơ sở kết quả khảo sát tình hình nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em và thực hiện trách nhiệm chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội, kiểm tra công tác nuôi con nuôi cũng như trao đổi về tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong lĩnh vực nuôi con nuôi trên địa bàn thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long và một số tỉnh/thành phố khác, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan, như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ)… xây dựng, triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho địa phương, đồng thời có biện pháp thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội và công tác nuôi con nuôi tại các địa phương trong cả nước./.
Lê Thị Ngọc Hoa