​Hội thảo tham vấn hoàn thiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới Ngành Tư pháp đến năm 2025

15/06/2022
​Hội thảo tham vấn hoàn thiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới Ngành Tư pháp đến năm 2025
Ngày 15/06, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo tham vấn hoàn thiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới Ngành Tư pháp đến năm 2025. Đồng chí Nguyễn Đỗ Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, đồng chí Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Bộ Tư pháp, thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) ngành Tư pháp, Bà Diana Torres, Trợ lý Trưởng đại diện thường trú, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, UNDP Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đỗ Kiên khẳng định, đảm bảo bình đẳng giới luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là mục tiêu, là nhiệm vụ trọng tâm trong các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và phát triển bền vững. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 2232/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 phê duyệt Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025, trong đó, giao Bộ Tư pháp chủ trì hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới. Để thực hiện nhiệm vụ, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động vì bình đẳng giới của ngành Tư pháp đến năm 2025. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Kế hoạch trước khi trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành và đưa vào thực hiện, đồng chí mong rằng, các đại biểu tham dự sẽ thẳng thắn trao đổi, đóng góp ý kiến xây dựng cho dự thảo Kế hoạch.
 

 
Dự thảo Kế hoạch hướng tới 5 mục tiêu, cụ thể:
Thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội do Bộ Tư pháp chủ trì, thực hiện.
Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới cho các tầng lớp nhân dân nhằm thay đổi hành vi về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Tăng cường lồng ghép bình đẳng giới trong công tác trợ giúp pháp lý.
Tăng cường sự tham gia bình đẳng của công chức, viên chức nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo.
Đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận, thụ hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tiền lương, an sinh xã hội đối với công chức, viên chức, người lao động.
 
 
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn đã trình bày các tham luận sâu sắc về bình đẳng giới trong các lĩnh vực trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở… cũng như trao đổi, thảo luận các giải pháp phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Một số hình ảnh tại Hội thảo
 
 



 
An Như