Đó là nội dung cũng là mục tiêu hướng đến của Tọa đàm về công tác Thi hành án dân sự (THADS) do Cục Công tác phía Nam phối hợp với Tổng cục THADS tổ chức
Sáng ngày 26/05/2022, Cục Công tác phía Nam phối hợp với Tổng cục THADS chủ trì tổ chức Tọa đàm về công tác THADS với nội dung “Nâng cao nhận thức và hiệu quả trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/06/2021 của Ban Bí thư”. Tọa đàm được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, với sự tham gia của đại diện Lãnh đạo, các đơn vị chuyên môn và một số Chi cục thuộc 25 Cục THADS các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam nhấn mạnh, thời gian qua việc xử lý các vụ án về tham nhũng, kinh tế nói chung, công tác thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng luôn được Trung ương Đảng, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm. Trong đó, khu vực phía Nam là địa bàn trọng điểm về công tác THADS với số việc và tiền chiếm trên 60% của cả nước, là nơi tập trung nhiều vụ án lớn, có tính chất phức tạp (đặc biệt là các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, các vụ “đại án”), vì vậy công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt rất được chú trọng.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Vũ Quốc Doanh – Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam cho biết: Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04, 25/25 Cục THADS trong Khu vực đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Nhìn chung, từ khi có Chỉ thị số 04, nhận thức của đội ngũ Lãnh đạo, Chấp hành viên trong cơ quan THADS cũng như các cơ quan, tổ chức khác đã có những thay đổi rõ nét. Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, các cơ quan THADS đã tích cực tham mưu cho Trưởng Ban chỉ đạo THADS chỉ đạo các cơ quan, ban ngành hữu quan cùng phối hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi xử lý tài sản; chủ động thực hiện ủy thác để tối ưu hóa khả năng thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Lũy kế 07 tháng đầu năm 2022, các địa phương trong Khu vực đã thi hành xong 196 việc/ 628 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 31,21%; thi hành xong 8.586.434.899.000 đồng/ 35.802.411.786.000 có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 23,98%.
Tuy vậy, đánh giá một cách khách quan kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn, số tài sản thu hồi còn thấp hơn so với tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Qua trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm cho thấy công tác thu hồi tài sản vẫn còn những hạn chế như: một số địa phương Lãnh đạo cơ quan THADS chưa thực sự quan tâm sâu sát; một số đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác này; một số Chấp hành viên năng lực còn hạn chế nên quá trình giải quyết có sai sót …
Bên cạnh đó, việc tổ chức thi hành án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong khâu xác minh, truy tìm tài sản, bởi lẽ: Phần lớn tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đều được che giấu hoặc tẩu tán rất tinh vi, trong khi đó việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn điều tra, truy tố còn hạn chế, chưa triệt để nên đến giai đoạn thi hành án thì tài sản còn lại của người phải thi hành án không nhiều và giá trị không lớn đủ để thi hành án. Mặt khác, thẩm quyền của cơ quan THADS, Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án còn hạn chế, phần lớn phụ thuộc nhiều vào kết quả của quá trình tố tụng trước đó, nhưng việc kê biên, thẩm định giá tài sản (nhất là quyền sử dụng đất) trong giai đoạn điều tra thường có sự chênh lệch so với hiện trạng tài sản tại thời điểm thi hành án nên việc xử lý tài sản thường bị chậm, kéo dài, làm ảnh hưởng đến kết quả thi hành án.
Chia sẻ với những khó khăn, áp lực các địa phương đang gặp phải, đại diện Tổng cục khẳng định: công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt thời gian qua đã được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, góp phần giúp kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, Tổng cục THADS đã, đang và sẽ tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành các chỉ đạo, hướng dẫn, nghiên cứu cơ chế phối hợp với các cơ quan, ban ngành và tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cơ chế riêng về xử lý tài sản.
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Thanh Bình khẳng định Cục Công tác phía Nam đã ghi nhận đầy đủ những khó khăn, vướng mắc, phản ánh kiến nghị của các địa phương. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu tham mưu, đề xuất cho Lãnh đạo Bộ có các giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; góp phần nâng cao hiệu quả công tác THADS của cả nước nói chung và khu vực nói riêng./.
Thanh Lam
Một số hình ảnh tại Tọa đàm